Thời gian gần đây, trẻ em bị xâm hại ở một số địa phương tăng lên, nguyên nhân là:
Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ.
Nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa số đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội; thậm chí còn chấp nhận thỏa hiệp đền bù hoặc tổ chức đám cưới, thành nạn tảo hôn nhất là ở những vùng nông thôn, vùng miền núi. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Cùng với những khó khăn, thách thức trong thời kỳ CNH-HĐH, một số gia đình tập trung cho việc làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình, các giá trị văn hóa gia đình truyền thống không được coi trọng; Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến thuận lợi to lớn cho sự phát triển, hội nhập nhưng cũng gây nên khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các gia đình… Đó là sự giảm sút cơ hội việc làm cho những lao động chân tay, không có trình độ cao, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế hộ gia đình; ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, nguy cơ bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện và an toàn của trẻ em trong gia đình.
Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ em một môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống như chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Công tác gia đình có liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đến vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống từ lúc mới sinh cho đến hình thành nhân cách ngay tại gia đình chưa được thường xuyên thống nhất. Hiện nay công tác gia đình, trong đó có trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, thiếu nguồn lực và chưa có mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở.
Yếu tố cá nhân (Trẻ em)
Thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi: trẻ chưa được tìm hiểu về các bộ phận trên cơ thể của bản thân (bao gồm cả vùng kín), dẫn đến việc nhiều trẻ bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng.
Thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại
Hạn chế trong nhận thức về các hình thức xâm hại
Yếu tố Gia đình
Thiếu hiểu biết và nhận thức chưa đủ: do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ của vấn đề giới tính với trẻ em.
Thiếu sự quan tâm, chia sẻ: Việc cha mẹ, người chăm sóc trẻ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình cũng là tiền đề của các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Ví dụ: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ thường không lắng nghe và tôn trọng mỗi khi con có thái độ bất thường với 1 số người xung quanh.
Thiếu kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em: thiếu kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng giải quyết về pháp lý, kỹ năng chăm sóc và phục hồi cho trẻ bị xâm hại về thể chất và tâm lý.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn: cha mẹ phải đi làm ăn xa (cha mẹ không có thời gian quan tâm, chăm sóc, gần gũi con cái); những rạn vỡ trong gia đình (tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hoặc tái hôn…) và sự sói mòn những giá trị truyền thống (cha mẹ vướng phải các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…) đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống cũng là một trong số những yếu tố dẫn đến việc trẻ bị xâm hại, ví dụ: Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng; Ở địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa, cha mẹ thường chủ quan ít để ý đến con em mình.
Yếu tố Xã hội:
Luật pháp chưa nghiêm ngặt: Các quy định trong hệ thống luật pháp còn chưa được đồng bộ. Một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý. Ví dụ: Luật chưa đưa ra và xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em).
Nhận thức về pháp luật hạn chế: Nhận thức của một bộ phận người dân chưa đủ về Luật Trẻ em (quyền của trẻ em) và Bộ Luật hình sự 2015.
Công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn: một số trường hợp nạn nhân và gia đình nạn nhân có thái độ bất hợp tác.
Ảnh hưởng từ những trang mạng xã hội Internet có nội dung không lành mạnh: do tác động của những ấn phẩm, trò chơi, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm và những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet… dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.
Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa hiệu quả: các hoạt động chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình…