Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con tuổi vị thành niên như: do sự phát triển của xã hội, của các kênh thông tin đại chúng và sự tràn ngập văn hóa, lối sống vị kỷ; do sự chênh lệch về tuổi tác giữa cha mẹ và con; do cha mẹ không được kịp thời trang bị kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, đặc biệt là kiến thức về tâm lý lứa tuổi vị thành niên…
Còn xét theo khía cạnh chủ quan, những mâu thuẫn hàng ngày giữa cha mẹ và con tuổi vị thành niên bắt nguồn chủ yếu từ yếu tố cá nhân, vị kỷ hiếu thắng của từng người. Cha mẹ về mặt tâm lý tự cho mình có quyền quyết định tối cao, bắt con phải nghe theo, tự cho mình quyền phạt, đánh con, thậm chí coi thường sự hiểu biết của con. Khi thấy mình sai lại không muốn rút lui ý kiến, sợ mất uy tín với con. Trong khi đó, con ở tuổi vị thành niên muốn tự khẳng định mình đã là người lớn, đã hiểu biết, có nhân cách độc lập nên sinh ra ngang bướng, không chịu nghe theo lẽ phải, cố giữ cá tính, ý thích cá nhân của mình, cho cha mẹ là bảo thủ.
Ngoài ra, năng lực giáo dục, kiến thức hiểu biết hạn chế; sự lệch lạc, không thống nhất trong các biện pháp giáo dục con của các bậc cha mẹ; con tiếp xúc với bạn bè xấu hoặc không biết cách bày tỏ những khó khăn cho cha mẹ hiểu… cũng là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên.