Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm bắt nguồn từ Vương quốc Phật giáo Bhutan, nằm trên dãy núi Himalaya. Sở dĩ có ngày này là vì từ những năm 1970, vua Bhutan đưa ra một cách thức mới để đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các chỉ số về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân…
Kể từ năm 1971, Bhutan đã loại bỏ chỉ số GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) và thay thế bằng một chỉ số mới, đó là tổng hạnh phúc quốc gia.
Tuy là một quốc gia đang phát triển có tổng sản phẩm quốc nội thấp, nhưng Bhutan lại là một trong những quốc gia có chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia đứng hàng đầu thế giới. Trong một cuộc khảo sát năm 2005 tại Bhutan, kết quả cho thấy 45% cho rằng họ rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc và chỉ 3% họ chưa hài lòng về cuộc sống của mình. Bhutan nằm trong tốp 10 nước đứng đầu thế giới về mức độ thỏa mãn của người dân và là nước duy nhất trong nhóm có mức thu nhâp thấp (tính theo đầu người chỉ hơn 1.800 USD/năm).
Ngày 28/02/2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 20/3 hàng năm là Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới, theo đề xuất của Vương quốc Bhutan. Tháng 6/2012, Liên hợp quốc tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, có 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Vụ Gia đình