Vai trò người cao tuổi trong gia đình được phát huy là những nhân tố tích cực, góp phần lan toả những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình hạnh phúc nói riêng, trong xã hội hiện nay nói chung…
Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của gia đình. Người cao tuổi không chỉ là những người kể lại những câu chuyện của ông cha, những kinh nghiệm sống, mà còn là người gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làng xã, dòng họ, gia đình… Người cao tuổi vì thế phải là tấm gương sáng cho con cháu học hỏi, không chỉ qua lời nói mà bằng hành động cụ thế. Thế nên, người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nếp nhà, nhịp sống văn hóa của gia đình, trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo.
Trong gia đình, người cao tuổi cần duy trì những thói quen tốt đẹp như: ăn cơm cùng nhau vào buổi tối, cùng nhau tham gia vào các hoạt động chung, dù công việc có bận rộn đến đâu. Những hành động này đôi khi không có giá trị vật chất nhiều, nhưng có giá trị tinh thần vô cùng to lớn, giúp các thành viên trong gia đình hiểu được sự quan tâm, sự yêu thương mà chúng tôi dành cho nhau. Hơn nữa, người cao tuổi cần chủ động nhắc nhở các con về lòng hiếu thảo, sự kinh trọng đối với ông bà, cha mẹ cũng như giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với dòng họ, láng giềng.
Khi một thành viên gia đình có những hành vi “lệch chuẩn”, ông bà phải là người chủ động khuyên bảo, góp ý trên tinh thần xây dựng, yêu thương nhau. Không chỉ quan tâm đến công việc, học tập của con cháu, mà còn luôn giáo dục con cháu hướng tới nếp sống văn minh, yêu lao động, tránh xa các tệ nạn xã hồi.
Đặc biệt vào mỗi dịp lễ Tết, người cao tuổi như “cầu nối” cho các con, cháu tụ họp, sum vầy để tham gia vào các hoạt động gia đình, từ việc chuẩn bị mâm cơm, cho đến việc quét dọn nhà cửa. Đây là cơ hội để mọi người cùng làm việc, chia sẻ công việc, cũng là lúc để chúng tôi nhắc nhờ nhau về những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương.