Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số nghiên cứu về tác động của Covid-19 đến BLGĐ đã được thực hiện. Báo cáo về “tác động xã hội của đại dịch covid 19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính sách chiến lược” của Liên hợp quốc công bố tháng 8 năm 2020 cho thấy, dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện đến các khía cạnh của đời sống gia đình, từ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần, đến lao động, việc làm, thu nhập, đặc biệt là tình trạng trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột và bạo hành cao hơn. Theo đó, phụ nữ được xác định là nạn nhân chính của bạo lực hoặc xâm hại trong gia đình do phải sống cùng người có hành vi bạo lực trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.
Tiếp cận các dịch vụ hạn chế và thường bị gián đoạn trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Trước khi COVID-19 diễn ra, bạo lực đối với phụ nữ vốn đã phổ biến tại Việt Nam với 39% phụ nữ bị bạo lực thể chất hoặc tình dục (Kết quả điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam được Bộ LĐTBXH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng Cục thống kê), UNFPA phối hợp thực hiện năm 2019, công bố năm 2020). Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận gấp đôi số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng về bạo lực mỗi tháng. Không chỉ vậy, có khả năng vẫn còn nhiều phụ nữ không có cơ hội tiếp cận hỗ trợ do đang sống cùng người gây bạo lực và không thể gọi điện. Cũng theo báo cáo này, số lượng trường hợp người bị xâm hại và BLGĐ do Ngôi nhà Bình yên mới tiếp nhận đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát.
Một nghiên cứu khác do Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội phối hợp với Tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung tại Hà Nội (2020) đã nghiên cứu tác động của Covid 19 tới BLGĐ đối với phụ nữ ở Hà Nội cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm BLGĐ. Điều này được phản ánh thực tế là việc kiểm soát các hành vi, lạm dụng tài chính, cũng như tâm lý, thể chất và tình dục xảy ra thường xuyên hơn (ít nhất là 70%) so với thời kỳ dịch Covid-19 chưa bùng phát. Phụ nữ làm việc trong các khu vực phi chính thức và sống trong điều kiện khó khăn là đối tượng dễ bị BLGĐ. Một nửa trong số người bị BLGĐ đã không tìm kiếm sự hỗ trợ để thoát khỏi bạo lực. Một số đã tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng những hạn chế trong thời kỳ đại dịch gây ra khó khăn lớn trong việc tiếp cận sự trợ giúp. Đa số phụ nữ không biết về đường dây nóng hoặc bất kỳ dịch vụ hỗ trợ phù hợp nào khác trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc xã hội.