Một số nghiên cứu đã tìm hiểu về nhu cầu được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng của nam, nữ thanh niên. Nghiên cứu của Lê Thị Vân Anh (2019) đã làm rõ thực trạng tiếp cận và nhu cầu truyền thông, kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, kết quả cho thấy cần đẩy mạnh truyền thông qua mạng Internet về sức khỏe sinh sản của học sinh trung học phổ thông. Nghiên cứu của Ths Nguyễn Văn Hùng, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (2017) cũng đã cho thấy thanh niên có nhu cầu rất lớn cần được hỗ trợ kiến thức về chăm sóc SKSS, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Nghiên cứu cũng đặt ra vấn đề cần linh động trong các phương pháp tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho nam nữ thanh niên. Nghiên cứu của TS. Đỗ Ngọc Hà, Viện Nghiên cứu Thanh niên – TW Đoàn TNCS (2004) đã cung cấp thông tin về tình hình lối sống cho thanh niên hiện nay; vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc xây dựng lối sống cho thanh niên; giải pháp tăng cường giáo dục lối sống cho thanh niên, trong đó nhấn mạnh cần trang bị kỹ năng cho thanh niên trong xây dựng cuộc sống gia đình. Tương tự, các nghiên cứu chỉ ra cần xây dựng một chương trình truyền thông – giáo dục sức khỏe hiệu quả và phù hợp với từng nhóm đối tượng, từ đó từng bước nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản – trước hôn nhân cho thanh niên (BS.CKI Đặng Phi Yến (2011)).
Một số nghiên cứu cũng đã quan tâm tìm hiểu nhu cầu của thanh niên công nhân. Nghiên cứu của Ths. Bùi Phương Chi (2015) đã đưa ra các dự báo xu hướng về đời sống hôn nhân, gia đình công nhân, đặc biệt là nữ công nhân tại các khu công nghiệp và giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng điều kiện sống, đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay, trong đó đặc biệt quan tâm đến trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình cho nam nữ thanh niên. Nghiên cứu của cử nhân Đỗ Thị Yên, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cộng sự (2012) cũng đã đề xuất cần tập trung hỗ trợ cho thanh niên về các vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nâng cao chất lượng sống, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.
Như vậy, có thể thấy một số nghiên cứu trong nước đã phần nào đề cập đến vấn đề giáo dục trước hôn nhân cho nam, nữ thanh niên, tuy nhiên chủ yếu mới quan tâm về đánh giá nhu cầu của nam, nữ thanh niên về một số vấn đề chính như: sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống. Các nghiên cứu chưa quan tâm nhiều đến các nội dung khác như: Văn hóa, ứng xử trong gia đình, tổ chức cuộc sống, bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết….Đặc biệt, hiện nay nghiên cứu về thực trạng và đánh giá mức độ đáp ứng, đề xuất các mô hình, dịch vụ…giáo dục trước hôn nhân cho nam, nữ thanh niên vẫn còn là khoảng trống.