Các nghiên cứu chỉ ra thanh niên có nhu cầu hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống BLGĐ, điển hình như về tâm lý, kỹ năng ứng xử với các thành viên trong gia đình, bình đẳng giới. Nghiên cứu ở thanh thiếu niên Châu Á cho thấy thanh niên cần thông tin chính xác về tình dục, sinh sản và các biện pháp tránh thai cũng như các dịch vụ chăm sóc SKSS tự bảo vệ mình khỏi quan hệ tình dục ngoài ý muốn, mang thai ngoài ý muốn, sinh con sớm, nạo phá thai không an toàn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Ngoài ra, thanh niên có nhu cầu được tư vấn về chăm sóc SKSS, cung cấp bao cao su…
Đối với trẻ em gái hay nữ thanh niên, các dịch vụ được họ tìm kiếm bao gồm: giáo dục, kế hoạch hóa gia đình và tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Tuy nhiên, các dịch vụ không thể truy cập được do thiếu sự riêng tư, bí mật, thiết bị và thái độ tiêu cực từ những người cung cấp dịch vụ (Rita Moses Mbeba và cộng sự, 2012). Nghiên cứu trên nam giới cũng cho thấy nam thanh niên cũng cảm nhận dịch vụ CSSKSS cần phải được tăng cường để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của nam giới. (Ruth S. Buzi và cộng sự, 2014).
Đặc biệt, nghiên cứu tại Bangladesh và Malawi (International Planned Parenthood Federation, 2010) cũng cho thấy ngoài vấn đề sức khỏe, những người trẻ tuổi cảm thấy mối quan tâm của họ thường liên quan nhiều hơn đến các khía cạnh xã hội và tinh thần, các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình và với cộng đồng (Lynn M Atuyambe và cộng sự, 2015).
Các nghiên cứu cho thấy, thanh niên có nhu cầu tìm đến các địa chỉ thân thiện với trẻ vị thành niên và đảm bảo chất lượng (thông tin giới tính, nhà cung cấp dịch vụ y tế thân thiện, một loạt các dịch vụ lâm sàng tốt như chăm sóc sau phá thai,…). Điều này kêu gọi hỗ trợ nguồn lực về đào tạo cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục thông tin và tài liệu truyền thông cũng như sự tham gia của các bên liên quan chính bao gồm phụ huynh, giáo viên và các nhà lập pháp (Lynn M Atuyambe và cộng sự, 2015).
Ngoài ra, các nghiên cứu đều đề xuất cần tăng cường lồng ghép giáo dục về chăm sóc SKSS trong trường học, bản thân thanh niên đều rất cần được cung cấp kiến thức, kỹ năng để tự chăm sóc SKSS cho bản thân và đa số học sinh ủng hộ giáo dục SKSS tại trường học (Bin Chen và cộng sự, 2008). Giáo dục SKSS dựa trên trường học có thể có hiệu quả và cải thiện đáng kể SKSS của trẻ em gái kiến thức và thái độ quan trọng để bảo vệ sức khỏe của họ và có kỹ năng xây dựng cho gia đình tương lai của họ (Muhammed S. A. Masood và cộng sự, 2017). Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng, giáo dục SKSS như một phần của chương trình giảng dạy tại trường học sẽ cung cấp một phương tiện hữu hiệu để nâng cao kiến thức và giảm thiểu các vấn đề về SKSS ở thanh thiếu niên ở các nước đang phát triển (C. I. Mba và cộng sự, 2007). Đồng thời cũng cần kết hợp với phương pháp học tập tương tác. Bởi đây sẽ là một cách hiệu quả để thúc đẩy nhận thức về SKSS ở thanh niên (Reem A Ali và cộng sự, 2018).
Bên cạnh đó, giáo dục và hỗ trợ nên được phổ biến rộng rãi cho các bậc cha mẹ để giúp họ trở thành những người giao tiếp với con hiệu quả hơn (Petra Jerman và cộng sự, 2010). Chính vì vậy mà rất cần đẩy mạnh truyền thông giữa phụ huynh và trẻ vị thành niên và cải thiện chương trình giáo dục đồng đẳng được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường, thúc đẩy các câu lạc bộ SKSS và giới ở học đường để tăng cường truyền thông giữa phụ huynh và trẻ vị thành niên và cung cấp tài liệu truyền thông giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi (Mulatuwa Ayalew và cộng sự, 2014).
Kết quả rà soát các đề tài nghiên cứu liên quan ở nước ngoài cho thấy các nghiên cứu đã hướng đến các nội dung khá phong phú về vấn đề giáo dục trước hôn nhân cho nam, nữ thanh niên. Các nghiên cứu cũng gợi mở các mô hình về giáo dục trước hôn nhân, đây là những kinh nghiệm, bài học cho đề tài, đặc biệt khi đề xuất giải pháp về GDTHN cho nam, nữ thanh niên. Tuy nhiên các nghiên cứu đều mới chỉ tìm hiểu về các khía cạnh riêng lẻ như: sức khỏe sinh sản, tỷ số giới tính khi sinh…, chưa có nghiên cứu tổng thể về thực trạng kiến thức, thực trạng công tác GDTHN hay nhu cầu về cả 3 lĩnh vực: xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống BLGĐ; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu MCBGTKS.