Theo Luật người khuyết tật năm 2010, khái niệm Người khuyết tật (NKT) ở nước ta chủ yếu tập trung vào khiếm khuyết thể chất, phản ánh theo mô hình y tế để định nghĩa về khuyết tật, không bao gồm người bị suy giảm nhận thức và các khiếm khuyết khó nhận biết hoặc khó xác định. Mô hình này dẫn đến việc NKT bị cản trở trong việc xin cấp Giấy xác nhận khuyết tật làm cơ sở cho sự tiếp cận của họ trong các dịch vụ xã hội thiết yếu như giáo dục, y tế, phục hồi chức năng và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Hơn nữa, Hội đồng xác định mức độ khuyêt tật cấp xã còn thiếu năng lực để xác định mức độ khuyêt tật và các dạng tật để cấp Giấy xác nhận khuyết tật dẫn đến việc các khuyết tật khó xác định hơn phải chuyển lên cấp trung ương tại các thành phố lớn nơi có nhiều NKT đăng ký xác định khuyết tật. Cơ quan có thẩm quyền và thủ tục cấp Giấy xác nhận khuyết tật còn phức tạp và chưa làm hết trách nhiệm, làm cho hệ thống không có hiệu quả trong việc đảm bảo NKT nhận được Giấy xác nhận và tiếp cận dịch vụ thiết yếu.
Do vậy, Luật Người khuyết tật cần áp dụng định nghĩa về người khuyết tật như trong CRPD, áp dụng theo mô hình xã hội thay vì mô hình y tế đang áp dụng hiện nay, để đảm bảo tất cả các dạng khuyết tật đều được xác định và có thể cấp Giấy xác nhận NKT để đảm bảo tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Thủ tục và cơ quan có thẩm quyền xác nhận NKT cần đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ của tất cả NKT, không phụ thuộc vào địa phương hay mức độ khuyết tật. Xây dựng năng lực trong đánh giá khuyết tật cần được thực hiện thường xuyên cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật địa phương để bao quát chính xác và đầy đủ tất cả các dạng khuyết tật tại tất cả các địa phương.