Cùng với lịch sử phát triển đất nước, gia đình Việt được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy. Qua nhiều thời kỳ phát triển, gia đình Việt Nam đã có sự thay đổi như thế nào?
Trong nhiều thập niên qua, gia đình Việt Nam đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập và giao lưu văn hóa làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội giúp giải phóng sức lao động, nhất là lao động công việc nội trợ, trong đó có phụ nữ. Điều này giúp các gia đình có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, có nhiều cơ hội hơn để thực hiện các hoạt động giải trí, tiếp thu các kiến thức văn hóa, xã hội mới từ các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, hiểu biết về những nếp sống văn minh, quan điểm hiện đại về hôn nhân và gia đình được nâng cao, từng bước thẩm thấu vào đời sống gia đình Việt Nam.
Trong xã hội hiện đại, nhận thức và tư duy của gia đình cũng dần thay đổi. Xuất phát từ tính chất công việc, phân công lao động, cấu trúc gia đình cũng dần thay đổi theo các yếu tố trên. Mô hình gia đình truyền thống ngày càng ít đi mà thay vào đó là gia đình hạt nhân (vợ – chồng-con), gia đình đơn thân, chung sống với nhau như vợ chồng… Cấu trúc gia đình thay đổi, dẫn đến mối quan hệ trong gia đình cũng rất thay đổi. Và tương ứng với mỗi mô hình gia đình đó thì thành viên gia đình cũng rất khác nhau.
Mặt khác trong thời đại 4.0 sự bùng nổ của các thiết bị thông minh khiến nhiều người chìm đắm vào không gian mạng xã hội, ít giao tiếp tương tác với nhau. Nhiều gia đình, sau một ngày dài làm việc bên ngoài, khi trở về nhà mỗi người một thiết bị điện tử, không còn không gian ấm cúng trò chuyện sẻ chia giữa các thành viên gia đình với nhau. Thực tế này yêu cầu chúng ta phải có những giải pháp để điều chỉnh. Đó là phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tiếp tục triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ngoài những tiêu chí ứng xử chung (Tôn trọng, Bình đẳng, Chia sẻ, Yêu thương), thì cần đẩy mạnh các tiêu chí ứng xử riêng như: Tiêu chí ứng xử giữa ông, bà, cha mẹ và con cháu; ứng xử giữa con cháu với ông, bà, cha mẹ; ứng xử giữa vợ và chồng; ứng xử giữa anh chị em với nhau; đẩy mạnh các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3).
Ngoài ra, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, chú trọng các quy định mới, phù hợp với những biến đổi về gia đình hiện tại và tương lai để tiếp tục củng cố và phát huy được vai trò của gia đình trong xã hội hiện đại.