Việc không hiểu biết đầy đủ về bạo lực gia đình và các yếu tố tác động sẽ dẫn đến tình trạng không thể có biện pháp ứng phó thích hợp. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang trải qua những biến đổi sâu sắc trên nhiều mặt, với những tác động to lớn đến mọi tầng lớp và các nhóm xã hội, trong đó có gia đình. Cho đến nay còn quá ít những nghiên cứu phân tích một cách sâu sắc quá trình nảy sinh và duy trì bạo lực gia đình. Vì vậy cần tăng cường công tác nghiên cứu nhằm cung cấp những cơ sở khoa học cho công tác hoạch định chính sách và thiết kế các hoạt động can thiệp nhằm giảm nạn bạo lực trong gia đình. Các thông tin, dữ liệu, kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình cần được thu thập định kỳ, được xử lý hệ thống và lưu giữ, phổ biến kịp thời đến các tầng lớp khác nhau.
Đối tượng cần được ưu tiên tiếp cận thông tin là các nhà làm chính sách và cán bộ thực hiện chính sách ở các cấp, đặc biệt cấp cơ sở. Các cán bộ hoạch định và thực thi chính sách cần quan tâm hơn nữa về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tránh coi việc bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ, do đó không có biện pháp can thiệp tích cực. Loại thông tin cần được tập trung thu thập là phố biến, các yếu tố liên quan đến bạo lực gia đình, hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Người dân cần biết cách nhận dạng các hành vi bạo lực gia đình, các biện pháp phòng ngừa, can thiệp khi cần thiết, những nơi có thể tìm đến để nhờ cậy, tư vấn khi có tình huống xảy ra cũng như hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu rộng đến các nạn nhân của bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức về quyền, giảm đi những e ngại của họ, đồng thời giúp họ hiểu rằng sự can thiệp đúng lúc, đúng cách của người ngoài là cần thiết, điều đó không làm tăng mâu thuẫn gia đình mà góp phần gìn giữ hạnh phúc cho chính họ, nhờ vậy họ sẽ không dấu giếm tình trạng bị bạo lực của mình.