Chính sách 1: Các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ
Mục tiêu giải quyết vấn đề
Hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, ngăn chặn người có hành vi BLGĐ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về PCBLGĐ, thực hiện bình đẳng trong gia đình và bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình.
Nội dung của chính sách
Chính sách tập trung vào giải quyết các vấn đề sau đây:
– Giảm nguyên nhân trực tiếp gây BLGĐ qua việc đưa người nghiện rượu hay gây BLGĐ đi cai nghiện bắt buộc
– Thủ tục hành chính và điều kiện xử lý vụ việc BLGĐ, các quy định về cấm tiếp xúc được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận, phù hợp với đặc điểm của đối tượng bị bạo lực.
– Các biện pháp bảo đảm cho các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; các biện pháp hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập gia đình, cộng đồng được thực hiện hiệu quả, thực chất, kịp thời và đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng là nạn nhân.
– Quy định rõ trách nhiệm của người có hành vi BLGĐ đối với hậu quả do mình gây ra; hoàn thiện về hòa giải trong PCBLGĐ; công tác thông tin, tuyên truyền và quy định rõ số điện thoại (111) tiếp nhận thông tin về BLGĐ.
Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn
– Giải pháp lựa chọn: Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, thẩm quyền và điều kiện đưa đối tượng đi cai nghiện rượu bắt buộc; thủ tục hành chính và điều kiện xử lý vụ việc BLGĐ, các quy định về cấm tiếp xúc. Bổ sung các biện pháp đảm bảo nhằm hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ hoạt động; các biện pháp hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập gia đình, cộng đồng, quy định rõ trách nhiệm của người có hành vi BLGĐ đối với hậu quả do mình gây ra, hoàn thiện về hòa giải trong PCBLGĐ, các hình thức đa dạng (kể cả mạng xã hội, xét xử lưu động công khai các vụ án BLGĐ) phục vụ thông tin, tuyên truyền, và quy định rõ số điện thoại (111) tiếp nhận thông tin về BLGĐ.
– Lý do lựa chọn:
Thứ nhất, đây là giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đã có địa phương thực hiện thành công.
Thứ hai, việc thực hiện có hiệu quả chính sách này sẽ góp phần bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
Thứ ba, đảm bảo tính răn đe, giáo dục người vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ, nâng cao hiệu quả công tác PCBLGĐ.
Chính sách 2: Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ
Mục tiêu giải quyết vấn đề
Tăng cường các điều kiện bảo đảm nhằm tạo sự chủ động, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước trong thực thi Luật cũng như nguồn lực cần thiết cho việc triển khai thi hành các quy định của Luật sau khi được ban hành và đi vào cuộc sống.
Nội dung của chính sách
Sửa đổi các biện pháp bảo đảm cho công tác PCBLGĐ;
Bổ sung thêm một số biện pháp mới khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin về BLGĐ; trong phân bổ nguồn lực nhà nước cho công tác PCBLGĐ;
Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đứng đầu chính quyền cơ sở và tăng cường công tác phối hợp liên ngành.
Các giải pháp và lý do lựa chọn
Giải pháp lựa chọn: Sửa đổi các biện pháp bảo đảm cho công tác PCBLGĐ và bổ sung thêm một số biện pháp mới khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin về BLGĐ; trong phân bổ nguồn lực nhà nước cho công tác PCBLGĐ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đứng đầu chính quyền cơ sở và tăng cường công tác phối hợp liên ngành từ đó giúp cho việc thực thi hiệu quả các chính sách của Nhà nước về PCBLGĐ và đưa Luật PCBGĐ đi vào cuộc sống.
Lý do lựa chọn: Đây là giải pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm, có tác động tích cực đến kinh tế, xã hội, hệ thống luật pháp, cải cách hành chính và giới (xin xem Báo cáo đánh giá tác động của chính sách).
Chính sách 3: Khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ
Mục tiêu giải quyết vấn đề
Bổ sung nguồn lực cho công tác PCBLGD thông qua việc tăng cường các biện pháp khuyến khích xã hội hóa trong PCBLGĐ; thực hiện về biểu dương, tuyên dương kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích đặc biệt trong PCBLGĐ, hoàn trả thiệt hại về tài sản khi tham gia PCBLGĐ mà người gây bạo lực không có khả năng bồi thường.
Nội dung của chính sách
Sửa đổi, bổ sung các quy định về biểu dương người có đóng góp đặc biệt cho công tác PCBLGĐ ở cộng đồng.
Bổ sung quy định hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người tham gia PCBLGĐ bị thiệt hại về tài sản, trợ cấp người tham gia PCBLGĐ bị tổn hại sức khỏe do trực tiếp ngăn chặn các vụ BLGĐ, thành lập quỹ hỗ trợ PCBLGĐ.
Bổ sung quy định về các loại hình tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân BLGĐ
Các giải pháp và lý do lựa chọn
– Giải pháp lựa chọn: Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích xã hội hóa trong PCBLGĐ. Cụ thể là các quy định hiện hành về biểu dương người có đóng góp đặc biệt cho công tác PCBLGĐ ở cộng đồng, hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người tham gia PCBLGĐ bị thiệt hại về tài sản, trợ cấp người tham gia PCBLGĐ bị tổn hại sức khỏe do trực tiếp ngăn chặn các vụ BLGĐ, thành lập quỹ PCBLGĐ, qui định về thủ tục và điều kiện thành lập các loại hình tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân BLGĐ
– Lý do lựa chọn:
Thứ nhất, đây là giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thứ hai, việc thực hiện chính sách này sẽ góp phần bổ sung thêm nguồn lực ngoài nhà nước cho công tác PCBLGĐ, nhất là huy động xã hội đầu tư xây dựng các cơ sở tư vấn trợ giúp nạn nhân BLGĐ. Việc thành lập quỹ PCBLGĐ (không sử dụng ngân sách Nhà nước để hoạt động nhưng Nhà nước thực hiện quản lý) nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác này. Vấn đề này, trong thời gian qua đã được một số địa phương triển khai nhưng mang tính tự phát, nguồn kinh phí huy động chưa được quản lý. Vì vậy, Nhà nước cần có chủ trương tạo hành lang pháp lý.