Mục đích
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực,
hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Quan điểm xây dựng
Thứ nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, về xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Thứ ba, kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tạo cơ sở và khung pháp luật cần thiết cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình phải đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước thực hiện thẩm quyền của mình trong quản lý Nhà nước; nhân dân dễ tiếp cận chính sách và gia tăng cơ hội hưởng thụ các quyền được bảo vệ an toàn và hạnh phúc theo tinh thần của Hiến pháp (năm 2013).