Kế thừa những giá trị tốt đẹp về văn hóa gia đình truyền thống, gạt bỏ những tàn dư lạc hậu trong các quy chuẩn về gia đình trước đây, Đảng ta đã xác định “xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” . Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đề cao vị trí, vai trò của gia đình, phát huy đúng đắn sức mạnh của gia đình trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Chính vì vậy, ở nước ta hiện nay việc xây dựng gia đình văn hoá được coi là một vấn đề cấp bách, sự hỗ trợ tích cực cho việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Do đó, để xây dựng gia đình Việt Nam với tư cách là một thực thể văn hoá bền vững và phù hợp với sự vận động của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá là việc làm thiết thực. Vì vậy, việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quá trình xây dựng gia đình văn hoá đang chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau trong đó có cả yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Các yếu tố cơ bản tác động tới xây dựng gia đình văn hoá bao gồm: yếu tố về truyền thống gia đình, yếu tố về nhận thức và yếu tố về kinh tế.