Không gian an toàn là nơi con người cảm thấy được tôn trọng, ủng hộ, giúp đỡ, yêu thương; được gắn kết, hòa đồng với người khác; có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, tham gia các hoạt động liên quan đến nhu cầu và sở thích, được tham gia vào quá trình ra quyết định của nhóm, của cộng đồng; không bị tổn thương, cô lập hay bạo hành.
Bạo hành chống lại phụ nữ là bất kỳ một hành động bạo hành dựa trên cơ sở giới nào dẫn đến, có khả năng dẫn đến những tổn thất về thân thể, về tình dục hay tâm lý, những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa của những hành động như vậy; sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư. (Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại trừ bạo hành chống lại phụ nữ, nghị quyết đại hội đồng tháng 12/1993)
Bạo hành gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế với các thành viên trong gia đình. (Luật Phòng, chống lực gia đình năm 2007, Khoản 2, Điều I). Bạo lực gia đình gồm các hành vi phổ biến là bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế.
Bạo lực thể chất dễ nhận biết nhất và phổ biến nhất gồm các hành vi gây thương tích như đánh đập, bóp cổ, tát, đấm, đá, kéo tóc, xô đẩy, ném đồ vật vào người. Bạo lực tinh thần điển hình là những lời mắng nhiếc, chửi rủa, lăng mạ, tinh thần, khủng bố tâm lý khiến người phụ nữ bị khủng hoảng, phẫn uất, danh dự, nhân phẩm bị hạ thấp, xúc phạm. Cũng có khi bạo lực tinh thần là thái độ lạnh lùng, coi như không nghe, không biết về câu chuyện mà người phụ nữ đang chia sẻ, là chiến tranh lạnh, không quan tâm đến thể trạng, tâm lý của người phụ nữ. Bạo lực kinh tế biểu hiện ở sự ngăn cản, không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, người thân; bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng. Bạo lực tình dục được đánh giá là khó nhận biết hơn cả. Đó là khi người phụ nữ bị ép buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn, phải quan hệ tình dục vì lo sợ có điều xấu xảy ra, hoặc bị ép làm những việc có liên quan đến tình dục mà họ cảm thấy bị sỉ nhục, hạ thấp nhân phẩm.
(ThS. Ngô Thị Mai Diên, Phòng Thông tin Quốc tế,
Viện Thông tin Khoa học Xã hội)