Để ảnh hưởng của báo chí và mạng xã hội đối với công tác phòng, chống trẻ em ngày càng lớn hơn, tốt hơn, cần một số giải pháp sau đây:
Cần nhận rõ mặt yếu, mặt mạnh của báo chí và mạng xã hội trong việc phòng chống xâm hại trẻ em. Báo chí đã làm khá tốt, khá hiệu quả công việc của mình nhưng vẫn cần làm tốt hơn nữa vì báo chí được xem là đáng tin cậy nhất trong hệ thống truyền thông. Mạng xã hội với đội ngũ dân cư mạng đông đảo hàng chục triệu người đã tạo nên sức mạng to lớn trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, tin tức và ý kiến trên mạng xã hội ít đáng tin cậy hơn vì mạng xã hội hầu như không kiểm chứng thông tin, ý kiến tự do, thoải mái, lời lẽ nhiều khi rất gay gắt, thậm chí là thô tục. Do đó, muốn có nhwunxg đóng góp có ý nghĩa đối với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, mạng xã hội phải trở nên đang tin cậy hơn nữa; cư dân mạng cần có cách ứng xử tỉnh táo và phù hợp hơn.
Nên xây dựng một số cơ quan báo chí có chức năng chuyên biệt về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời kết nối những cơ quan báo chí ấy lại với nhau. Kinh nghiệm cho hay, một vấn đề gì đó mà chỉ có một vài cơ quan báo chí đơn lẻ lên tiếng thì sớm bị thờ ơ, sau đấy là sự lãng quên của xã hội. Chỉ khi có nhiều cơ quan báo chí cùng lên tiếng, tạo thành một tiếng nói thống nhất thì lúc ấy dự luận xã hội mới chú ý và mới tạo ra áp lực buộc các cơ quan chức năng vào cuộc.
Tuy là chúng ta đang sống trong cơ chế thị trường nhưng một số cơ quan báo chí có tính chuyên biệt phải được Nhà nước hỗ trợ để tồn tại và phát triển. Báo chí trẻ em thuộc loại được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, từ việc miễn giảm thuế, đến cung cấp quảng cáo và tài trợ kinh phí. Sự hỗ trợ này mang lại hiệu quả gián tiếp những rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Những Nhà báo làm việc trong cơ quan báo chí trẻ em phải có những phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ, chịu khó lăn lộn trong cuộc sống và sẵn sàng chịu thiệt thòi. Những phẩm chất nêu trên rất cần thiết để có những bài báo hấp dẫn, có ích về trẻ em, đặc biệt là trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cần tạo điều kiện để những người làm báo về trẻ em về nông thôn, về vùng sâu, vùng xa… Trên thực tế, chỉ ở những nơi này mới xẩy ra nhiều vấn đề mà báo chí trẻ em quan tâm và có thể phản ánh, mổ xẻ có hiệu quả. Thực tế cho thấy, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới lâm vào những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Những em này thường sống ở vùng sâu, vùng xa; trong khi 100% cơ quan báo chí đóng ở thành phố. Vì vậy, việc tổ chức cho phóng viên đi thực tế là điều hết sức cần thiết.
Kỹ thuật làm báo cũng như nội dung phản ánh của báo chỉ hiện nay thay đổi rất nhanh chóng, vì vậy những người làm báo về trẻ em đều cần phải nhanh, nhạy trong công việc của mình và dành thời gian để nâng cao nghiệp vụ.
Đã đến lúc báo chí và mạng xã hội hợp lực với trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Mạng xã hội phát huy thế mạnh của mình là lực lượng đông đảo, có mặt ở khắp mọi nơi, có nhiều tin tức và đưa tin nhanh chóng. Còn báo chí phát huy thế mạnh là tính chuyên nghiệp, tính chính xác của mình để đưa tin và bình luận. Kết hợp những điều này lại với nhau, chúng ta có nguồn tin đầy đủ, nhanh chóng, đáng tin cậy để làm tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
TS. Hồ Bất Khuất (Tạp chí Gia đình và Trẻ em)