Khách quan đánh giá Đề án Hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình đã đáp ứng yêu cầu, mục đích đặt ra. Tuy nhiên, Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn và có vị trí rất đặc biệt trong quá trình cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi chưa có chính quyền trong tay, Đảng ta đã khẳng định vị trí vai trò quan trọng của văn hóa trong Đề cương Văn hóa năm 1943. Ngay sau khi Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bảo tồn cổ tích. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Bác kêu gọi toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, Hội Văn hóa cứu quốc ra đời với khẩu hiệu Văn hóa hóa kháng chiến, Kháng chiến hóa Văn hóa. Điều đó một lần nữa khẳng định Đảng coi trọng văn hóa, văn hóa luôn là bộ phận cấu thành sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bác nhấn mạnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Những năm đầu xây dựng miền Bắc XHCN với 3 cuộc cách mạng trong đó cách mạng tư tưởng văn hóa là một. Đến thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập bắt đầu bằng Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, vị trí, vai trò của Văn hóa ngày càng được nghiên cứu và khẳng định một cách sâu sắc hơn, gắn bó hơn với kinh tế – xã hội và chính trị. Nghị quyết khẳng định: “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”…Thiết nghĩ chỉ với 2 quan điểm này cũng đủ để khẳng định Văn hóa có vai trò, vị trí như thế nào trong tiến trình đổi mới. Tiếc rằng, trong thực tiễn đổi mới không phải lúc nào, ở đâu vai trò, vị trí của văn hóa cũng được quan tâm như nó vốn có! Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhận định “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với sự phát triển kinh tế”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng nhiều lần nhắc nhở: Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Và điều quan trọng hơn nữa là mặc dù văn hóa có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng vấn đề con người và gia đình, đạo đức và lối sống, bạo lực và mãi dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em…đang làm nhức nhối toàn xã hội, đến mức người bi quan mong: Kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa? Tại sao lại có những vô lý như vậy? Chắc chắn có nhiều nguyên nhân cần được nghiên cứu và chỉ rõ. Có lẽ Những quan điểm cơ bản của Đảng về Văn hóa chưa được luật hóa! Quan điểm của Đảng về kinh tế đổi mới đến đâu có luật đến đó. Luật Doanh nghiệp chẳng hạn được sửa đổi nhiều lần nhằm thể hiện rõ tư tưởng đổi mới của đảng, đáp ứng tình hình thực tiễn, phát huy tác dụng thiết thực trong sản xuất, kinh doanh, bắt kịp tình hình thực tiễn cuộc sống. Tiếc rằng, trong lĩnh vực văn hóa chưa được đầu tư tương xứng. Nhấn mạnh không chỉ là đầu tư tiền bạc chưa tương xứng mà trong lĩnh vực luật pháp cũng chưa đầu tư tương xứng để có ban hành luật hoặc bộ luật về văn hóa nhằm thể chế hóa, luật hóa những quan điểm đúng đắn và sâu sắc của Đảng lam cơ sở quản lý và phát triển văn hóa đúng tầm yêu cầu thực tế khách quan hiện nay. Ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp lĩnh vực văn hóa. Thông lệ, những chủ trương đường lối của Đảng sẽ được luật hóa để nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước có công cụ quản lý hiệu quả, có chính sách cụ thể triển khai các chủ trương đường lối đề ra. Việc bám sát các văn kiện, nghị nghị quyết của Đảng là hết sức cần thiết trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình nói riêng. Vấn đề là quán triệt sâu sắc chủ trương đương lối của Đảng thông qua văn kiện, nghị quyết đã ban hành của Đảng với tầm nhìn bao quát, toàn diện và rộng lớn hơn, có tính chuyên ngành sâu hơn với các vấn đề có tính tổng thể của sự phát triển bền vững chứ không chỉ là các luật chuyên ngành cụ thể như di sản, điện ảnh hay thư viện… Trên tinh thần ấy, đề xuất một số vấn đề cụ thể sau:
– Thứ nhất: Để khắc phục hạn chế việc quan tâm văn hóa chưa tương xứng với chính trị, kinh tế – xã hội, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế vậy cần ban hành văn bản về Đầu tư Văn hóa không.
– Thứ hai: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội” ; Vậy văn hóa hiện diện ra sao trong các luật về kinh tế xã hội? Yếu tố nào về văn hóa được đưa vào hệ thống luật nói chung để hệ thống luật được hoàn thiên.
– Thứ ba: Trong điều kiện Hội nhập ngày càng sâu rộng, muốn hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc thì luật pháp cần quy định thật cụ thể để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa thế giới cần được luật hóa ở luật nào hoặc có một luật riêng.
– Thứ tư: Quan điểm của Đảng: Văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị, thị trường văn hóa, công nghiệp văn hóa, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa cần được luật hóa như thế nào nhằm thích ứng với tình hình thực tiễn đổi mới trong giai đoạn mới.
Xem vậy, đang cần cách nhìn mới về việc xây dựng luật và các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, tạo điều kiện tốt nhất xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển bền vững vì hạnh phúc của nhân dân, vì đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Hoàn thiện hệ thống luật pháp nói chung, hệ thống luật pháp về văn hóa, gia đình nói riêng phải đặt mục tiêu vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, như vậy mới có bước đột phá về văn hóa và cũng chính là sự đột phá trong phát triển chung.