Để phòng, chống xâm hại trẻ em, cha mẹ cần lưu ý:
Hướng dẫn trẻ những kỹ năng cơ bản nhất để phòng, chống xâm hại; đặc biệt là nguyên tắc “Hét to/ nói không – Bỏ đi – Kể lại”: Hét to/ nói không: Để thu hút sự chú ý của người khác và làm đối tượng xâm hại sợ bị phát hiện, không dám làm gì; Bỏ đi: Bỏ đi ngay lập tức nếu cảm thấy sợ hãi, không an toàn; Kể lại: Kể lại với cha, mẹ hoặc bất cứ ai mà trẻ cảm thấy tin tưởng về sự việc xảy ra, về nỗi sợ hãi, lo lắng của trẻ.
Đặt ra những nguyên tắc cơ bản nhất yêu cầu trẻ phải thực hiện như: Không đi theo, mở cửa người lạ/người quen hoặc tự ý đi chơi, đi ra các khu công cộng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.
Nắm rõ lịch học, lịch hoạt động ngoại khóa… của trẻ; thường xuyên trao đổi thông tin với giáo viên, huấn luyện viên của trẻ về tình hình của trẻ ở trường, lớp.
Điều quan trọng nhất là cha, mẹ dành thời gian quan tâm, chia sẻ, chuyện trò với con để hướng dẫn con cách phòng, chống xâm hại; sớm nhận thấy những sự bất ổn, lo lắng, sợ hãi hay thay đổi của trẻ để kịp thời can thiệp, tránh những hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời cha, mẹ cũng cần tìm hiểu, thực hiện phương pháp giáo dục, kỷ luật tích cực, kiềm chế cơn tức giận để tránh gây cho trẻ những tổn thương về tâm lý, thân thể. Cha mẹ hãy là những người bạn của con để cùng con khôn lớn, trưởng thành.