Sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết. Việc sửa đổi Luật PCBLGĐ nhằm khắc phục những bất cập trong PCBLGĐ, bảo vệ quyền con người ngay từ trong gia đình và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc Việt Nam.
Trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020 (ngày 02/11/2020), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất những điểm mới trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực (sửa đổi) bao gồm những nội dung sau:
– Bổ sung giải thích rõ một số khái niệm chưa được giải thích hoặc giải thích chưa rõ ràng trong Luật hiện hành.
– Bổ sung thêm điều khoản quy định về quyền và trách nhiệm đối với người có hành vi BLGĐ. Vấn đề này được tiếp cận trên cơ sở quyền con người và lỗi đến đâu xử lý đến đó.
– Bổ sung quy định rõ trách nhiệm của nạn nhân BLGĐ phối hợp, hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quy định của pháp luật về PCBLGĐ.
– Bổ sung xã hội hóa PCBLGĐ để vận động tổ chức, cá nhân tham gia PCBLGĐ, đóng góp kinh phí hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân BLGĐ trong trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp, quỹ không sử dụng ngân sách Nhà nước để hoạt động.
– Bổ sung quy định tiêu chuẩn của hòa giải viên trong PCBLGĐ.
– Bổ sung quy định mới về mô hình PCBLGĐ theo hướng Luật quy định về nguyên tắc, nội dung, Chính phủ quy định chi tiết.
– Bổ sung quy định bắt buộc trong trường hợp người gây BLGĐ nghiện rượu.
– Bổ sung quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về PCBLGĐ; trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền và cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ; về cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình, PCBLGĐ, cơ chế phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ, mạng lưới PCBLGĐ. Bổ sung mới một số điều quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành; tách ngành công an thành 1 điều để làm rõ thêm trách nhiệm công an trong xử lý các trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ nhất năm 2022 và thông qua vào kỳ họp thứ hai năm 2022.