Như ta biết, ông bà là cha mẹ của cha mẹ chúng ta. Nếu là cha mẹ của cha thì gọi là ông bà nội; nếu là cha mẹ của mẹ thì gọi là ông bà ngoại. Trong một gia đình nề nếp, ông bà là tấm gương cho cháu noi theo. Ông bà có thể giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai của cháu mình thông qua quan sát và giao tiếp của cháu đối với ông bà. Trong trường hợp những người làm cha làm mẹ không muốn hoặc không có khả năng chăm lo đầy đủ cho con cái thì ông bà thường là người đảm nhận trách nhiệm này. Trong văn hóa truyền thống thì ông bà thường có vai trò rõ ràng và trực tiếp trong hoạt động chăm sóc và nuôi nấng cháu con.
Đối với mối quan hệ ông bà con cháu, đây là mối quan hệ có giá trị vừa truyền thống vừa hiện đại. Ngoài tình yêu thương, sự chăm sóc và kỳ vọng dành cho các cháu, ông bà còn dạy các cháu những giá trị đạo đức, cách đối nhân xử thế để làm hành trang cho các cháu bước vào cuộc sống tương lai. Vì thế, ông bà như là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là những người đem những tinh hoa của thế hệ đi trước truyền dạy lại cho con cháu mai sau giữ gìn và phát huy. Chẳng hạn như: Có nhiều gia đình có vai trò trong việc lưu giữ khối kiến thức văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như những nét đẹp riêng trong sinh hoạt đời thường từ cách đi, dáng đứng, ăn nói, cư xử, ăn mặc sao cho lịch sự, lễ phép. Hoặc có những gia đình được ông bà dạy cho con cháu nguyên tắc sống, phẩm chất đạo đức làm người như là biết cảm thông, yêu thương, san sẻ, bao dung, biết giữ gìn nề nếp, tác phong, kỷ luật tốt… Tất cả tạo thành mối liên hệ gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Ngày nay, dưới sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chính những đứa cháu đóng vai trò như một sự kết nối trực tiếp giữa người già và thế giới đang thay đổi. Những người cháu hướng dẫn ông bà vào mạng internet, dùng các thiết bị điện tử, chơi game trên máy tính, xem tin tức để nắm bắt những thay đổi, những xu hướng mới nhất trong xã hội. Từ đây có thể đúc kết một điều rằng, mối quan hệ giữa ông bà con cháu là mối quan hệ mang giá trị vừa truyền thống vừa hiện đại và có tính chất kế thừa. Ông bà là những con người đại diện cho truyền thống và con cháu đại diện cho hiện đại, mối quan hệ này có tính chất biện chứng, bổ sung, truyền lửa cho nhau trong cuộc đời mỗi người, cũng như trong cuộc sống.
Đối với con cháu, yêu thương, kính trọng, hiếu thảo dành cho ông bà bổn phận và trách nhiệm của chúng ta. Đó chính là tấm lòng yêu thương chăm sóc ông bà, luôn luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực và tình cảm yêu thương kính trọng ấy phải xuất phát từ tận đáy lòng của người con, người cháu. Bởi khi ấy, chúng ta đã thấu hiểu và ý thức được những gì ông bà cha mẹ hi sinh cho mình. Khi về già sức khỏe sa sút, bệnh tật liên miên, đây là lúc cần sự hiếu thảo của con cháu nhất, lúc này đây con cháu vẫn còn tận tình chăm sóc, hỏi han không ngại khó ngại khổ, sợ phiền phức thì mới thật là tấm lòng hiếu thảo đáng quý biết chừng nào. Đó là một đức tính cao đẹp của con người, thể hiện lòng tôn kính biết ơn đối với ông bà cha mẹ, với tổ tiên. Mặt khác, trong ứng xử hàng ngày, đối với ông bà, cha mẹ bổn phận con cháu phải có thái độ cử chỉ, lời nói, việc làm thể hiện cách ứng xử lễ phép kính trọng. Trong quan hệ xã hội đã phải lựa lời mà nói khi giao tiếp thì trong ứng xử gia đình lời ăn tiếng nói cũng phải thể hiện đạo đức, văn hóa của người con, người cháu đối với ông bà. Như vậy, chúng ta phải biết yêu thương, kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, đồng thời tham gia các sự kiện của gia đình, dòng tộc để ông bà thấy sự quan tâm của con cháu với người cao tuổi để họ vui vẻ, yêu đời, sống lâu dài với chúng bên cháu con.