Về sự quan tâm, giáo dục con cái, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tỷ lệ các bậc cha mẹ quan tâm, đầu tư đến việc học tập, quan hệ bạn bè, dành thời gian chăm sóc hàng ngày cho con cái ngày càng cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều bậc cha mẹ không có thời gian dành cho việc chăm sóc, chưa quan tâm đến việc tham gia những hoạt động cùng với con cái nhằm tăng cường sự gắn kết, giao lưu tình cảm, thúc đẩy sự phát triển.
Về nội dung giáo dục, nội dung dạy con chủ yếu của cha mẹ xoay quanh các vấn đề về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho trẻ. Bên cạnh đó, một bộ phận đáng kể các bậc cha mẹ đã quan tâm nhiều hơn dạy con cái biết cách tiêu tiền và cách ăn mặc.
Phương pháp dạy dỗ của cha mẹ đã có sự thay đổi nhất định, tỷ lệ cha mẹ dạy con bằng phương pháp áp đặt, cấm đoán giảm đáng kể, thay vào đó là sự nhắc nhở, phân tích cho con hiểu về cái đúng cái sai. Vai trò giáo dục của cha mẹ cũng có sự thay đổi theo hướng bình đẳng hơn. Vị thế của con cái đã dần tăng lên, tỷ lệ trẻ vị thành niên được tham gia quyết định về những việc liên quan tới bản thân khá cao. Tuy nhiên, mối quan hệ cha mẹ-con cái về cơ bản vẫn tuân thủ tôn ti trật tự truyền thống, cha mẹ vẫn là người quyết định mọi công việc có liên quan đến con cái. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tôn trọng quyền của con hoặc có những hành vi đối xử vi phạm quyền tự do thân thể của các em.