Trong tâm thức của người Việt, vốn quý giá nhất của cha mẹ chính là con cái. Cha mẹ phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tư cách, ý thức, tâm hồn con từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. Vì vậy, quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất thiêng liêng, bao hàm mối quan hệ sinh thành, dưỡng dục, là sự nối tiếp giữa hai thế hệ “ Cha truyền, con nối’’, kể cả đối với con nuôi hay con riêng của vợ hoặc chồng. Còn phận làm con phải hiếu nghĩa, chăm lo, phụng dưỡng bố mẹ suốt đời.
Trong mối quan hệ này còn có quan hệ bố mẹ vợ, chồng và con dâu, con rể khi các con trưởng thành, tạo dựng gia đình riêng. Người Việt Nam xưa có câu “dâu là con, rể là khách’’, mối quan hệ giữa bố, mẹ chồng với con dâu và bố, mẹ vợ đối với con rể là mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần vun đắp hạnh phúc gia đình cho con cái. Hãy tôn trọng gia đình các con và để các con có cuộc sống của riêng mình chứ không nên can thiệp sâu hoặc sống thay, làm thay.
Thông thường trong mối quan hệ này, khó xử nhất ở nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam là mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu. Ngày nay, với sự tiến bộ xã hội về bình đẳng giới và vị thế ngày càng cao của người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực xã hội,… đã dẫn đến nhiều thay đổi trong quan hệ giữa cha, mẹ, vợ, chồng với con dâu hoặc con rể. Mối quan hệ này đã được ứng xử rất tiến bộ, là sự tôn trọng, thương yêu, là sự đầu tư cho hạnh phúc gia đình riêng của các con. Nhiều gia đình cha mẹ đôi bên đã xem dâu, rể thực sự là con của mình. Ngược lại, nhiều dâu hiền, rể thảo đã không có sự phân biệt đối xử giữa hai bên gia đình, họ mong muốn được tôn trọng, yêu thương.
Thực tế, một trong những yếu tố giữ gìn hạnh phúc gia đình trong mối quan hệ giao tiếp đối với con dâu, con rể là cần phải tuân thủ đúng những mối quan hệ qua lại. Cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản: Bố mẹ vợ hoặc chồng không được can thiệp vào những công việc gia đình của các con, thậm chí với những ý định tốt, bởi vì việc can thiệp như vậy dù có thiện ý tốt đến đâu chăng nữa thì theo ý kiến nhiều nhà nghiên cứu cũng sẽ là nguồn gốc tiềm ẩn nảy sinh những xung đột sau này. Tốt nhất, mọi quan hệ đối xử với con cái đã có gia đình riêng dựa trên cơ sở tôn trọng và đóng vai trò như một nhà tư vấn, khách quan, chính trực.