Theo đó, trong năm 2021 hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình toàn tỉnh hiện có 1.349 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng thuộc 17/17 các huyện, thị xã, thành phố.
Các thành viên tham gia“Địa chỉ tin cậy” tập thể chủ yếu là lãnh đạo UBND, đại diện các đoàn thể chính trị – xã hội, Văn hóa, Công an, Tư pháp xã, Chi hội trưởng phụ nữ ở các thôn, làng, tổ dân phố…; “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng thường được chọn đặt ở trụ sở UBND xã, phường, thị trấn hoặc phòng làm việc của Hội phụ nữ, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hay ngay tại các hộ gia đình. Đối với các địa chỉ cá nhân, chủ yếu là những người có uy tín tại địa phương như trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ. Trụ sở này, chính là ngôi nhà thứ 2 của các nạn nhân làm nơi tạm lánh, cung cấp các nhu cầu thiết yếu như thức ăn, nước uống, thuốc y tế; tư vấn về hôn nhân, gia đình, pháp luật liên quan… cho các nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân của tảo hôn.
Các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao để phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, phê phán những hành vi bạo lực gia đình, tôn trọng bình đẳng giới và các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên khác trong gia đình.
Thực hiện tốt công tác đấu tranh chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo đúng pháp luật. Bên cạnh đó luôn tích cực làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, trực tiếp tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý cho các nạn nhân trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình.
Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không vi phạm các tệ nạn xã hội để xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.