Theo đó, trong năm 2021 hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình toàn tỉnh hiện có 122/159 xã, phường, thị trấn có mô hình
phòng, chống bạo lực gia đình; 415 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thực hiện tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh và các nhu cầu thiết yếu khác nhằm giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 223 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” với hơn 1.800 thành viên tham gia sinh hoạt với các nội dung thiết thực: cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình… Các tiêu chí thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, các loại hình CLB gia đình phát triển bền vững luôn được bổ sung, hoàn thiện; mô hình gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc luôn được chú trọng, đề cao.
Đồng thời, một số địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng được những mô hình hay, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tiêu biểu như: huyện Tây Sơn: Phòng Tư pháp đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin hướng dẫn UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở. Toàn huyện có 77 tổ hòa giải cơ sở với hơn 670 hòa giải viên, đã hòa giải thành công 96/113 vụ việc (đạt 84,9%) trong đó có nhiều vụ bạo lực gia đình; huyện An Lão: duy trì hoạt động của 57 CLB “Xây dựng gia đình phát triển bền vững”, ngoài ra huyện đã thành lập được các CLB với mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững như: 28 câu lạc bộ “xây dựng gia đình 5 không – 3 sạch”; CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”; CLB “Phụ nữ với an toàn giao thông”; CLB “Nuôi con khỏe – dạy con ngoan”; CLB “Nuôi con bằng sữa mẹ”; mô hình tổ “Phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”.