Theo đó, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 299 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và 35 Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình. Mỗi Câu lạc bộ có từ 20 đến 35 hộ gia đình tham gia sinh hoạt định kỳ 02 tháng/1 lần theo quy chế. Nội dung sinh hoạt cụ thể như tìm hiểu các văn bản của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, tư vấn, hòa giải,… ngoài ra các câu lạc bộ còn đóng góp xây dựng quỹ tương hỗ để tạo điều kiện giúp đỡ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Mô hình Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình đã duy trì các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin về bạo lực gia đình trên địa bàn. Hàng tháng, quý các nhóm có kiểm tra, đánh giá hoạt động hòa giải, can thiệp, tuyên truyền vận động, phổ biến những cách ứng xử hay giữa các thành viên trong gia đình. Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, tổ hòa giải cơ sở thực hiện tốt các biện pháp can thiệp sớm, tư vấn về gia đình, hòa giải ở cơ sở, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các đối tượng bị bạo lực gia đình, đối tượng gây ra bạo lực gia đình là các thành viên trong gia đình. Ngoài ra Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ và Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình đã phối hợp với các chi hội, ban nhân dân, công an thôn, khu phố, đã kịp thời phát hiện, giúp đỡ nạn nhân bạo lực và giáo dục đối tượng có hành vi bạo lực gia đình một cách có hiệu quả, đã tạo được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng. Các Mô hình đã phát huy được hiệu quả trong việc triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin và tổ chức các biện pháp can thiệp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
Kinh phí hỗ trợ sinh hoạt CLB Gia đình phát triển bền vững, mô hình Nhóm phòng chống bạo lực gia đình được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 355/BTC-HCSN ngày 10/01/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình.