Từ năm 2008 đến năm 2010, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với địa phương xây dựng và đầu tư kinh phí thí điểm Mô hình PCBLGĐ tại 64 xã/phường/thị trấn thuộc 64 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Thời điểm triển khai tỉnh Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội) . Cuối năm 2010, Bộ VHTTDL đã tổng kết đánh giá kết quả thí điểm Mô hình. Qua đó cho thấy, năm 2008, tại 64 xã triển khai Mô hình xảy ra 1.071 vụ BLGĐ giảm xuống 238 vụ (giảm 77,8%) trong năm 2010.
Mặt khác, tại các xã/phường/thị trấn triển khai thí điểm Mô hình không còn xảy ra vụ bạo lực nghiêm trọng. Trước thành công từ Mô hình thí điểm, Bộ VHTTDL đã rà soát, đánh giá, hoàn thiện để hướng dẫn nhân rộng Mô hình đến những xã/phường/thị trấn khác trong địa bàn. Sau 10 năm triển khai thí điểm từ 64 xã/phường/thị trấn đến nay đã có hàng nghìn xã/phường/thị trấn trên toàn quốc chính thức triển khai Mô hình PCBLGĐ. Theo báo cáo của 61/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có 9.024 xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ, trên tổng số 12.055 xã/phường/thị trấn đạt khoảng 74.85%. Trong đó, số xã/phường/thị trấn triển khai Mô hình theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL là 6.616 (chiếm 73,31% tổng số Mô hình về PCBLGĐ đang triển khai); số còn lại do ngành khác hướng dẫn. Theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 2 năm 2014 thì đến năm 2020 đạt trên 90% (miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa đạt trên 70%) số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ. Như vậy, các địa phương cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai nhân rộng và duy trì Mô hình trong thời gian tới để đạt được chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Hội LHPN Việt Nam cũng tổ chức và nhân rộng các mô hình tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên. Giai đoạn 2008-2017, các Trung tâm tư vấn pháp luật (14 trung tâm) đã tư vấn được 14.783 cuộc, phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn cho 134.873 người; có 7.848 cơ sở y tế khám chữa bệnh và đón tiếp nạn nhân tạm lánh. Trung ương Hội đã tham vấn nghề và giới thiệu đến các cơ sở học nghề cho 760 lượt người là nạn nhân BLGĐ.
Việc xây dựng dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Luật PCBLGĐ năm 2007, song cũng cần bổ sung các quy định để đảm bảo tính hiệu quả của các nô hình PCBLGĐ.