Đây là mô hình của tổ chức Plan Việt Nam dành cho trẻ dưới 3 tuổi. Tham gia nhóm trẻ vui chơi bao gồm cha mẹ trẻ và con của họ, trẻ dưới 3 tuổi. Nội dung hoạt động của nhóm tập trung vào chăm sóc sức khỏe trẻ, khuyến khích phát triển tiếng mẹ đẻ thông qua giao tiếp, các trò chơi, kể chuyện, hát ru, làm đồ chơi cho trẻ. Hội Phụ nữ các cấp là đối tác chính tổ chức quản lý nhóm. Hiện nay, tại 8 tỉnh đã thành lập được 162 nhóm với sự tham gia của 3.604 cha mẹ/NCS và 3.764 trẻ. Các nhóm trẻ vui chơi được xem là sự hỗ trợ quan trọng cho trẻ và cha mẹ/NCS trẻ tại những vùng khó khăn, nơi trẻ em từ 0-3 tuổi bị hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục nhà trẻ hoặc ít được tham gia các sân chơi khuyến khích sự phát triển toàn diện dành cho trẻ nhỏ.
Nhóm trẻ vui chơi tại cộng đồng hoạt động như là một điểm vui chơi học tập của trẻ và cha mẹ; chia sẻ kinh nghiệm tốt về cách chăm sóc và giáo dục trẻ theo truyền thống tại địa phương; tạo cơ hội cho cha mẹ đề xuất và thực hiện các sáng kiến cộng đồng vì trẻ thơ, dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc phát triển trẻ thơ như học tập, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh, nước sạch…; nâng cao kỹ năng tương tác, gần gũi trẻ trong chăm sóc – giáo dục và bảo vệ trẻ em trong gia đình và cộng đồng; đóng góp ý kiến với các tổ chức/ban ngành liên quan (lãnh đạo xã; phụ nữ, y tế, trường học…) để nâng cao chất lượng dịch vụ cho trẻ em.
Mô hình đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của trẻ, cha mẹ và cộng đồng địa phương, góp phần giải quyết các khó khăn, thách thức mà các địa phương đang phải đối mặt trong chăm sóc, giáo dục trẻ từ 0-3 tuổi – phần nào lấp đầy những “khoảng trống” trong giáo dục cho trẻ dưới 3 tuổi, mà ngành giáo dục tại các vùng khó khăn chưa thể đáp ứng do hạn chế về nguồn lực. Mô hình phù hợp với giáo dục nhà trẻ, đặc biệt phù hợp với các xã/huyện miền núi xa xôi, những nơi có tỉ lệ các dân tộc thiểu số cao; đồng thời đã tạo ra các thay đổi tích cực ở trẻ 0-3 tuổi, cha mẹ/người chăm sóc trẻ, tình nguyện viên và cả các đối tác địa phương trong việc tạo ra môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ. Bản thân trẻ tại các vùng dự án mạnh dạn, tự tin, hiểu biết nhiều hơn, dễ dàng tham gia vào các hoạt động một cách thoải mái, vui vẻ, chủ động.
Khoảng trống của mô hình:
Về đối tượng: Mô hình chỉ tập trung cho cha mẹ có con trong độ tuổi từ 0 – 3, chính vì vậy, hạn chế người tiếp cận.
Về nguồn lực: Năng lực của người điều hành còn hạn chế về các kỹ năng: điều hành nhóm, lập kế hoạch tổ chức các hoạt động, lựa chọn trò chơi, hoạt động và cách tổ chức phù hợp với trẻ em ở các độ tuổi, chưa hoặc không biết hướng dẫn cha mẹ sử dụng tài liệu hướng dẫn chăm sóc trẻ 0-3 tuổi của dự án tại nhà. Ngoài ra, chi phí tham gia sinh hoạt nhóm vẫn là một rào cản ở một số vùng đặc biệt khó khăn. Cần chú ý hỗ trợ bổ sung đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm; khuyến khích cha mẹ làm đồ dùng, đồ chơi bằng những vật liệu sẵn có tại nhà để giảm được chi phí.