Là mô hình nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tổ chức Plan Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015, thực hiện chương trình Giáo dục cha mẹ với mục tiêu nâng cao nhận thức, kiến thức và thực hành cho cha mẹ là người dân tộc thiểu số về chăm sóc và giáo dục con dựa vào các mốc phát triển của trẻ từ 0-8 tuổi tại 9 tỉnh: Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.
Mô hình Nhóm Cha mẹ do Hội Phụ nữ xây dựng và quản lý được xây dựng nhằm giúp cha mẹ nhận thức tầm quan trọng của việc chăm sóc và phát triển trẻ thơ; hướng dẫn cha mẹ các kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc và phát triển trẻ dựa vào các mốc phát triển của trẻ từ 0-8 tuổi. Nhóm Cha mẹ được thành lập theo thôn/bản, gồm khoảng từ 25 -30 thành viên là các ông bố/bà mẹ/người chăm sóc trẻ từ 0-8 tuổi. Nội dung hoạt động chính của mô hình Nhóm Cha mẹ gồm: (i) Truyền thông kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc và phát triển trẻ thơ (CS &PTTT) tại các buổi sinh hoạt nhóm thông qua hướng dẫn thực hành của tình nguyện viên (TNV) và cha mẹ thực hành tốt; (ii) Thăm hộ gia đình để hỗ trợ cha mẹ thực hành và khai thác các điển hình tích cực, hỗ trợ thực hành của cha mẹ/người chăm sóc trẻ trong CS&PTTT tại nhà; (iii) Tổ chức các hội thi kiến thức, thực hành của cha mẹ về CS&PTTT, tăng cường sự giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về CS&PTTT giữa cha mẹ, gia đình và cộng đồng dân cư; (iv) Thực hiện sáng kiến nhỏ tại cộng đồng nhằm hỗ trợ cha mẹ/người chăm sóc trẻ áp dụng thực hành CS&PTTT.
Nhóm họp ít nhất 1 lần/tháng. Hội LHPN thôn/xã là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và điều phối mô hình. Tình nguyện viên thôn bản đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và vận hành mô hình, là người trực tiếp điều hành nhóm cha mẹ. Mô hình Nhóm Cha mẹ là diễn đàn để cha mẹ chia sẻ, trao đổi các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ; khuyến khích các thực hành tốt của địa phương và cũng là nơi để thực hành các kiến thức mới liên quan đến chăm sóc và giáo dục trẻ. Mô hình được đánh giá hiệu quả và đang được triển khai nhân rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.
Khoảng trống của mô hình:
Về đối tượng: Mô hình mới tập trung giáo dục cha mẹ trong chăm sóc phát triển trẻ thơ, từ 0-8 tuổi, chưa mở rộng cho cha mẹ có con ở độ tuổi lớn hơn, từ 9-16 tuổi.
Về nội dung: Tập trung chủ yếu vào kiến thức, kỹ năng của cha mẹ trong CS&PTTT, ưu tiên cho nhóm cha mẹ người dân tộc thiểu số, có trình độ văn hoá thấp. Chính vì vậy, khoảng trống đặt ra đối với việc cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng cho các nhóm cha mẹ khác mang tính chuyên sâu hơn.
Về nguồn lực: Tình nguyện viên đóng vai trò chủ chốt trong triển khai các hoạt động của mô hình. Đội ngũ này cần được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, giám sát hỗ trợ về phương pháp, kỹ năng điều hành nhóm cha mẹ, phân loại đối tượng… Điều này đòi hỏi nguồn lực lớn khi triển khai lần đầu cũng như các đợt đào tạo nâng cao.