Việc triển khai giáo dục tiền hôn nhân của Hội LHPN TPHCM là một điểm sáng của 16 tỉnh/thành thí điểm. Có tổ chức 4 chuyên đề tổ chức thành 4 buổi học mà Hội LHPN TPHCM biên soạn ngắn gọn và dễ hiểu. Cách thu hút người tham gia cũng được xã hội hóa, tìm kiếm huy động quà tặng, phiếu nghỉ trăng mật cho các cặp đôi tham gia. Đồng thời, Hội LHPN TP cũng đánh giá hàng năm những người tham gia có ai ly hôn, có vấn đề gì trong hôn nhân để biết được hiệu quả giáo dục tiền hôn nhân trong thực tế.
Hội LHPN TP Đà Nẵng có kinh nghiệm phối hợp Chi cục Dân số xây dựng chương trình giáo dục tiền hôn nhân với 56 CLB điểm “Tư vấn và CSSKSS tiền hôn nhân”, có gần 1.700 thành viên trở thành tuyên truyền viên tại cộng đồng. Bên cạnh đó là cách xây dựng chuyên mục Giáo dục tiền hôn nhân trên trang web của Hội LHPN TP hiệu quả.
Hình thức truyền thông nội dung giáo dục trước hôn nhân qua kênh VOV giao thông cũng là một cách làm hiệu quả, thẩm thấu đến nhiều đối tượng đa dạng. Phòng tham vấn học đường của Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình, kiến thức chuẩn bị đời sống hôn nhân cho hàng chục trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Hội LHPN tỉnh Hải Dương có kinh nghiệm hoạt động của đường dây nóng “cứu các mối tình” và Trung tâm tư vấn kết hôn với người nước ngoài. Với dữ liệu thông tin của các thiếu nữ Việt Nam và nam giới Hàn Quốc, những người có nhu cầu tự tìm hiểu, kết nối trên mạng và gặp thực tế dưới sự giới thiệu, cung cấp thông tin của Trung tâm, có 56 cặp đã làm quen, 8 đôi gặp nhau, 3 cặp kết hôn, 1 đôi vừa xuất cảnh.
Cần xây dựng nội dung giáo dục cho nam giới nhiều hơn, có hình thức giáo dục phù hợp cho hai đối tượng nam và nữ một cách cân bằng. Để hoạt động giáo dục tiền hôn nhân thực hiện hiệu quả, liền mạch, cần xây dựng chiến lược cụ thể, có sự phối hợp thực hiện giữa các bộ ngành. Vấn đề chứng nhận tiền hôn nhân có ý nghĩa trong việc kết hôn cũng là một giải pháp thúc đẩy mọi người tham gia học tiền hôn nhân nghiêm túc và chất lượng hơn.