Gia đình truyền thống Việt Nam đã trải dài hàng ngàn năm lịch sử, theo quan hệ huyết thống gia phả, dòng tộc đã xây dựng nên bức tường thành đạo đức xã hội còn truyền lại đến ngày hôm nay, về văn hóa ứng xử, lối sống đạo đức còn được nuôi dưỡng ở nhiều vùng thôn quê. Đó là luân lý sống trên kính dưới nhường, ra đường gặp nhau phải chào hỏi, nhà ai có công việc đại sự cả làng đến chung tay giúp đỡ…đây là điều kiện quan hệ thân thiết như câu ca: “Hàng xóm sớm lửa tối đèn có nhau”…Theo nhiều nghiên cứu tâm lý học, trong xã hội đương đại con người ít giao tiếp với nhau, nếu mỗi ngày bỏ ra ít phút giao tiếp trò chuyện cùng nhau sẽ giúp con người cởi mở, giảm stress, tránh mắc bệnh trầm cảm…
Văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam xưa còn tồn tại ở các khu phố cổ Hà Nội và nhiều thành phố khác, nhưng nhiều nét văn hóa cổ truyền đã bị mai một như “Lời ăn, tiếng nói” đã bị lãng quên. Ngày xưa, văn hóa gia phong lời ăn là khi ăn, con gái ngồi bên nồi cơm để xới cơm cho ông bà, cha mẹ…Khi bê bát cơm, cầm đũa lên ăn phải mời mọi người theo thứ tự…Những nét văn hóa truyền thống này đã ngăn chặn nhiều tội ác giữ cho mái ấm tình thương gia đình bền chặt, xóm làng hòa thuận, gia đình hạnh phúc yên vui.
Mô hình gia đình truyền thống Việt Nam xưa là một hệ thống văn hóa ứng xử, tạo thành nền giáo dục lối sống chăm chỉ, thật thà, trọng danh dự, trọng nghĩa, trọng tài, chân thực biết giữ tôn ti, trật tự văn hóa gia phong, gia pháp. Mô hình văn hóa gia đình ấy đã phát triển cùng nền kinh tế nông nghiệp, nông dân tạo nên nhân cách con người Việt Nam: cần cù, nhẫn nại chân tình, đôn hậu, nhân ái, bao dung con người hướng thiện – xã hội bình yên.
(Ths. Đặng Kim Thoa- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)