Bên cạnh các hoạt động truyền thông bề nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong những năm qua, các cấp Hội chú trọng xây dựng các mô hình can thiệp dự phòng hỗ trợ cha mẹ, gia đình bảo vệ trẻ em: Nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi (523 nhóm tại 20 tỉnh/thành), Câu lạc bộ “gia đình hạnh phúc” (3.913 CLB); bênh cạnh đó, TW Hội duy trì hiệu quả mô can thiệp hỗ trợ trẻ em bị bạo hành, xâm hại: mô hình Ngôi nhà Bình Yên do Trung ương Hội trực tiếp quản lý và vận hành; 38.600 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng do Hội LHPN các cấp tại 63 tỉnh/thành thành lập, quản lý.
Năm 2014, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao chủ trì thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn Khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà mẹ là công nhân lao động có con dưới 36 tháng có chỗ gửi trẻ an toàn, góp phần giảm thiểu nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực. Với 01 chỉ tiêu quan trọng đặt ra trong giai đoạn 2014-2020, đề án sẽ hỗ trợ kiện toàn, phát triển 500 Nhóm trẻ độc lập tư thục đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của ngành giáo dục.
Năm 2019, trong khuôn khổ Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027, Trung ương Hội PHPN Việt Nam đã chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ cho bà mẹ, gia đình thực hiện bảo vệ trẻ em, thông qua các hoạt động cụ thể: Tổ chức Lễ phát động chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” vào tháng 3/2019 tại 02 điểm cầu trực tuyến (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với sự tham gia chứng kiến của Thủ tướng Chính Phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các bậc cha mẹ trên địa bàn thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn, tập huấn hướng dẫn triển khai chủ đề năm đến các cấp Hội; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng thí điểm mô hình Làng quê an toàn tại Tuyên Quang, Thanh Hóa, Kiên Giang và mô hình thành phố An toàn tại Đà Nẵng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động hỗ trợ cha mẹ bảo vệ trẻ em trong hệ thống Hội còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế:
– Công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho cha mẹ, cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra hàng ngày, ở nhiều độ tuổi và do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, người thân. Các hoạt động truyền thông chưa được thường xuyên, chưa thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả tác động còn hạn chế vì chưa có các chương trình hoạt động, can thiệp cụ thể để hỗ trợ cha mẹ bảo vệ trẻ em.
– Đội ngũ tuyên truyền viên của Hội chủ yếu là cán bộ, tổ trưởng, chi trưởng phụ nữ, đây là những người trực tiếp chuyển tải nội dung, thông điệp truyền thông đến với phụ nữ trong cộng đồng, nhưng còn rất thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về chăm sóc và bảo vệ trẻ em; thiếu kỹ năng làm việc với trẻ em; thiếu phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trẻ em dẫn đến việc đầu tư về thời gian và công sức cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em còn rất hạn chế.
– Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cán bộ, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và công dân chưa tốt; kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em chưa đầy đủ và cập nhật.
– Công tác giáo dục gia đình, giáo dục cha mẹ trong bảo vệ, chăm sóc phát triển trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, cha mẹ và gia đình chưa thực hiện được đúng, đủ vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy định Luật Trẻ em.