Trong điều kiện kinh tế được cải thiện, quy mô gia đình hạt nhân một mặt góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình được bình đẳng, có điều kiện tham gia vào các công việc xã hội. Sự độc đoán, gia trưởng của người chủ gia đình cũng có xu hướng dần được dẹp bỏ, thay vào đó là xu hướng nâng cao tính dân chủ ngay trong quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, đời sống riêng tư của con người được coi trọng hơn đã giảm bớt các mâu thuẫn gia đình nảy sinh từ việc chung sống của nhiều thế hệ.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, giờ đây, quan hệ tình cảm giữa con, cháu và ông bà, cha mẹ thiếu đi sự chăm lo, trách nhiệm qua lại hai chiều. Con, cháu vì quá được cưng chiều, quen ỷ lại nên cũng ít có trách nhiệm đỡ đần, chia sẻ nỗi vất vả trong việc nhà với cha mẹ, ông bà. Khi lớn khôn, không ít người làm con, làm cháu cho rằng, việc xây dựng hạnh phúc gia đình chỉ cần dựa trên sự bảo đảm giá trị vật chất và tiền bạc là đủ; bởi theo họ, có tiền là có tất cả. Do quá mải mê làm kinh tế, họ gần như “khoán trắng” việc chăm sóc ông bà, cha mẹ, con cháu cho người giúp việc hoặc nhà trường. Do ít được quan tâm, chăm sóc, nên ở một số gia đình xuất hiện tình trạng: người già cô độc, con cháu học hành sa sút, đua đòi, sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, không ít gia đình có điều kiện vật chất khá giả, dư thừa nhưng con, cháu lại coi việc nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ già như một gánh nặng. Anh chị em tị nạnh, đùn đẩy nhau, muốn trút bỏ hết nghĩa vụ với ông bà, cha mẹ sớm được ngày nào hay ngày ấy. Chính bởi vậy, khoảng cách, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình cũng ngày một lớn dần. Thế hệ trước (ông bà, cha mẹ) thì sống trong nỗi mặc cảm cho rằng con cháu ngày nay không tôn trọng, không quan tâm đến ông bà, cha mẹ già mà chỉ biết sống cho riêng mình, xem họ như gánh nặng. Còn thế hệ sau (con, cháu) thì cho rằng ông bà, bố mẹ già lạc hậu, khó khăn, không hiểu, không thông cảm cho thế hệ trẻ…
Cha mẹ, ông bà già không còn là trụ cột gia đình về tài chính nhưng thực tế, khi sống với con cháu, họ vẫn giúp được rất nhiều việc trong gia đình như: chăm sóc trẻ nhỏ, trông nom nhà cửa, vườn tược, chăn nuôi lợn gà…; vẫn tiếp tục là chỗ dựa tinh thần, tình cảm của con cháu; là sợi dây liên hệ giữa con cháu với họ hàng, dòng họ; là người truyền đạt những kinh nghiệm làm ăn, cách ứng xử trong quan hệ xã hội. Trong sự hình thành, phát triển nhân cách của con người, sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục của cha mẹ với sự chăm sóc của ông bà là điều kiện tốt nhất đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, ngày nay, không ít người làm con, làm cháu đã quên đi vai trò của người già trong cuộc sống của gia đình. Trong sinh hoạt hàng ngày, không ít những thiếu sót, nhiều khi do vô tình, vô ý, của con cháu đã gây cho cha mẹ, ông bà những điều phải suy nghĩ, bực bội, oán trách.
Cha mẹ suốt đời hy sinh cho con, đến khi tuổi già sức yếu, họ không còn làm được gì nhiều, thường không đủ điều kiện tự nuôi sống, chăm sóc bản thân nên thường phải trông cậy vào sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu. Điều này khiến không ít người cảm thấy khổ tâm, tủi thân vì con cháu vô tình, thiếu yêu thương, tôn trọng hoặc xem họ như là gánh nặng. Nếu con cháu có thái độ khinh thường, hắt hủi sẽ khiến cha mẹ, ông bà già buồn phiền, chán nản với cuộc sống bị lệ thuộc.
Bên cạnh đó, tâm sinh lý của người già có những biến đổi sâu sắc, nhưng đôi khi con cháu không nhận ra. Các cụ vì lớn tuổi, thân thể yếu đau nên hay buồn than, mặc cảm, dễ tự ái. Có cụ vì bệnh tật, buồn phiền đâm ra khó tính, hay giận, hay gắt gỏng. Con cháu khi thấy ông bà, cha mẹ như thế thì thường không vui, không thích tiếp xúc hay ở gần. Đó là lý do khiến các cụ càng buồn tủi và càng khó hòa hợp với con cháu hơn. Người già không có yêu cầu cao về đời sống vật chất, tiền bạc, của cải không giúp các cụ khỏe mạnh hơn, vui hơn, cũng không thể làm thay đổi các biến đổi về tâm sinh lý của tuổi già. Điều họ cần nhất lúc này là tình yêu thương, sự thấu hiểu và thái độ đối xử đúng mực, thể hiện lòng hiếu thảo của con, cháu. Việc được trò chuyện, giao tiếp, vui chơi với con, cháu chính là nhu cầu, là niềm vui lớn nhất cho họ khi ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời.