Sự cần thiết sửa đổi Luật
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 (sau đây gọi là Luật 2007). Luật 2007 đưa Việt Nam là một trong số nước tiên phong luật hóa việc PCBLGĐ, khẳng định sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc; sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.
Sau gần 15 năm thực hiện, Luật 2007 đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Bên cạnh đó, Luật 2007 cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần phải được sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng bạo lực gia đình có mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ công bố năm 2020 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Trước yêu cầu cụ thể hóa kịp thời chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước bảo vệ quyền con người, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, thực hiện xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời khắc phục vướng mắc, bất cập, Quốc hội đã quyết định sửa đổi Luật 2007.
Quá trình xây dựng Luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị BLGĐ, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về PCBLGĐ. Các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng đã được quan tâm, xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Quốc hội đã thông qua Luật
Ngày 14/11/2022, có 474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 95,18%), trong đó có 465 đại biểu tán thành (chiếm 93,37%) thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.