Tiếp tục kế thừa, phát triển hệ thống pháp Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cùng với Hiến pháp 1992, trong điều kiện đổi mới, thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và dự thảo các điều sửa đổi, bổ sung. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 được Quốc hội khóa X ngày 09/06/2000, gồm 13 chương, 110 điều đã kế thừa, cụ thể hóa nhiều quy định để điều chỉnh các quan hệ trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Nhằm phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của gia đình trong tình cảm vợ chồng. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tại Điều 18 qui định: “Vợ chồng chung thủy, yêu thương, quý trọng, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau”. Qua đây cho thấy, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã từng bước cụ thể hóa những quan hệ xã hội mới phát sinh trong cuộc sống gia đình, tuy không thể nào điều chỉnh hết tất cả các mối quan hệ đa dạng phát sinh trong đời sống gia đình nhưng đã phần nào cùng chung tay xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc, bền vững như nhiệm vụ của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã đặt ra. Trong quá trình phát triển lịch sử xã hội với sự điều chỉnh tương ứng của các qui định của Luật hôn nhân và gia đình cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trên cơ sở quán triệt nguyên tắc “nam nữ bình đẳng”. Mặt khác kiên quyết xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu của chế độ hôn nhân đa thê phong kiến, xây dựng và củng cố nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng bên cạnh nghĩa vụ chung thủy, nghĩa tình của vợ chồng đối với nhau. Nghiêm cấm những thủ đoạn, hành vi làm mờ giá trị truyền thống quý báu vốn có của gia đình.