Quốc hội khóa VI, kì họp thứ 7 đã chính thức thông qua bản Hiến pháp thứ 3 của nước ta, làm nền tảng cho bước phát triển mới của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Hiến pháp 1980 – Đạo luật cơ bản của Nhà nước đã qui định các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa, tại các Điều 38,47,63,64 của Hiến pháp. Việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, có một số điều không phù hợp, chẳng hạn như chưa thể hiện được đầy đủ phong tục tập quán của miền Nam; quá trình thi hành ở cả hai miền đã cho thấy một số quan hệ mới cần phải được điều chỉnh; các nguyên tắc cơ bản cần được cụ thể hơn. Việc ban hành Luật Hôn nhân và gia đình mới là một yếu tố khách quan để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định thành lập ban dự thảo Luật Hôn nhân gia đình mới: Dự luật đã được Quốc hội khóa VII, kì họp thứ 12 thông qua 29/12/1986 và được Hội đồng nhà nước công bố ngày 01/01/1987. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 là sự kế thừa và phát triển của Luật Gia đình năm 1959. Nhiệm vụ của Luật được đặt ra là nhằm tiếp tục xây dựng và cũng cố gia đình xã hội chủ nghĩa, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những tục lệ lạc hậu, những tàn tích của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến, chống lại sự ảnh hưởng của chế độ hôn nhân và gia đình tư sản trong đó có nhiệm vụ xây dựng và củng cố chế độ hôn nhân và gia đình là nhiệm vụ hàng đầu. Các nguyên tắc của Luật Gia đình năm 1959 tiếp tục được coi là những nguyên tắc quán triệt trong toàn bộ nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Những nguyên tắc, nguyên lý cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 là:
– Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ – một vợ một chồng – Vợ chồng bình đẳng -bảo vệ quyền lợi của cha mẹ con cái – bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Tại Điều 1 của Luật qui định: “Nhà nước bảo đảm thực hiện chế độ hôn nhân tự
nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, nhằm xây dựng gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc,bền vững”. Tại một qui định khác (Điều 11 của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986) cũng qui định rõ hơn và bổ trợ cho qui định ở nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng: “Vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau” cũng như Điều 4 của Luật qui định: “Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác”. Vì ta thấy rằng nếu như luật qui định vợ chồng chỉ phải tuân theo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng trong suốt thời kì hôn nhân thì cũng chưa điều chỉnh được các hành vi chưa đủ yếu tố vi phạm nguyên tắc đó, vì vậy tạo kẻ hở của pháp luật, nhưng ở đây luật có sự qui định chi tiết hơn là vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau, qui định này nhằm góp phần giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam đó là nghĩa tình, thủy chung. Đồng thời có những chế tài cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc chung sống như vợ chồng với người khác , hoặc cấm người đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người chưa có vợ có chồng. Những quy định này nhằm xây dựng và củng cố quan hệ vợ chồng, chung thủy, tình nghĩa hơn.