Ngày 26/11/2021, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã có công văn số 82/21/ACDC-CV về việc góp ý dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi). Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật này, Viện Nghiên cứu có một số ý kiến góp ý cả về nội dung và ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo, tập trung vào các chính sách liên quan đến đối tượng người khuyết tật được lồng ghép trong Dự thảo Luật, cụ thể như sau:
1. Về các hành vi bạo lực gia đình (Điều 4 Dự thảo Luật): So với khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, Điều 4 của Dự thảo Luật đã quy định chi tiết, cụ thể các hành vi được xem là hành vi BLGĐ theo hướng mở rộng hơn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy: Một số hành vi BLGĐ liên quan đến đời sống hôn nhân xảy ra giữa các thành viên gia đình vẫn chưa được liệt kê vào danh sách hành vi BLGĐ tại điều này như ép buộc mang thai (sinh nhiều con), cưỡng ép phá thai vì lý do giới tính thai nhi,… Thực tế cho thấy, không hiếm người khuyết tật là nạn nhân của những hành vi bạo lực nêu trên từ chính người thân trong gia đình họ, vì nhiều lý do khác nhau’. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ban biên tập, Tổ soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung các hành vi: “Ép buộc mang thai hoặc phá thai; ép buộc lựa chọn giới tính của thai nhi, ngăn cản sử dụng biện pháp tránh thai” vào các hành vi BLGĐ tại Điều 4 Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các hành vi “cưỡng ép quan hệ tình dục” tại khoản 7 và “Cưỡng ép thực hiện các hành vi tình dục mà vợ hoặc chồng không mong muốn” tại khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật này đều là các hành vi liên quan đến bạo lực tình dục nên được đưa quy định trong cùng một khoản cho thống nhất, dễ hiểu và dễ áp dụng trên thực tế.
2. Về quyền và nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình (Điều 11 Dự thảo Luật): Điểm i khoản 1 Điều 11 Dự thảo Luật có quy định người bị BLGĐ có quyền được vay vốn phát triển kinh tế gia đình: Đây là một quy định mới rất tiến bộ, góp phần giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người bị BLGĐ. Song, vấn đề đặt ra ở đây là: Người bị BLGĐ được vay vốn theo đối tượng nào? Vay vốn từ Quỹ nào, từ Quỹ hỗ trợ người bị BLGĐ hay Quỹ nào khác? Bởi lẽ, trong các chính sách vay vốn hiện hành của nước ta chưa có quy định dành riêng cho đối tượng là người bị BLGĐ. Nếu vay từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm thì chúng tôi hiểu là quy định của Luật này mở rộng hơn so với quy định tại Điều 12 của Luật Việc làm năm 2013 (về đối tượng được vay vốn từ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm”). Vì vậy, đề nghị nêu rõ tại điểm i Điều 11: “Giao cho Chính Phủ hưởng dẫn chi tiết nội dung này”. Một số quyền của người bị BLGĐ cần được cân nhắc sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ. Ví dụ như: Quyền “được hưởng chế độ bảo hiểm trong thời gian điều trị tại cơ sở chữa bệnh đối với người có tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm k khoản 1 Điều 11 Dự thảo Luật mang tính “thia”, bởi lẽ, nếu người bị BLGĐ đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì họ sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Điều này cũng đã được quy định chi tiết tại Điều 11 Thông tư 24/2017/TT-BYT ngày 17/05/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế: “Chi phí cho việc khám và điều trị đổi với nạn nhân BLGĐ do Quỹ bảo hiểm y tế chỉ trả đối với người có bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế”. Do vậy, chúng tôi đề nghị Ban biên tập, Tổ soạn thảo cân nhắc loại bỏ quy định này. Thay vào đó, có thể cân nhắc bổ sung quy định về việc khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét miễn giảm chi phí khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người BLGĐ không có bảo hiểm y tế mà có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự chi trả. Quyền “yêu cầu người sử dụng lao động không được làm tổn hại đến quyền lao động theo quy định của pháp luật” được quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 11 Dự thảo Luật: Chúng tôi hiểu rằng, mục đích của Ban biên tập, Tổ soạn thảo khi xây dựng quy định này là nhằm bảo vệ vị trí việc làm (quyền có việc làm) của người lao động bị BLGĐ, ngăn chặn các trường hợp người sử dụng lao động lấy lý do người lao động bị BLGĐ để điều chuyển, chấm dứt hợp đồng lao động hay có những hành động khác xâm phạm quyền lao động của người bị BLGĐ. Song, cách quy định của điểm 1 khoản 1 Điều 11 Dự thảo Luật đang khá chung chung, gây khó hiểu và khiến cho người đọc hiểu nhầm không liên quan đến lĩnh vực BLGĐ, do vậy, cần được cân nhắc sửa đổi cho phù hợp.
3. Về các quy định mang tính đặc thù nhằm hỗ trợ, bảo vệ có hiệu quả người bị bạo lực gia đình thuộc nhóm yếu thế, cụ thể là người khuyết tật, còn thiếu vắng trong Dự thảo Luật: Kế thừa và phát triển Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, Dự thảo Luật đã khẳng định về nguyên tắc việc ưu tiên bảo vệ đối với 05 nhóm đối tượng được xem là yếu thế khỏi hành vi BLGĐ (khoản 6 Điều 5 Dự thảo Luật). Tuy nhiên, trong các quy định cụ the của Dự thảo Luật chỉ mới ghi nhận về mặt nguyên tắc việc “Ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật” (khoản 2 Điều 31 Dự thảo Luật) mà không có một điều khoản nào đưa ra những chính sách cụ thể hóa nguyên tắc nói trên để hỗ trợ, bảo vệ những đối tượng đặc thù là người bị BLGĐ, đặc biệt là người khuyết tật, trẻ em. Trong khi đó, hiện nay đã có một loạt các luật khác nhau quy định những chính sách, biện pháp đặc thù để phòng ngừa BLGĐ, hỗ trợ, bảo vệ những đối tượng yếu thế khỏi hành vi bạo lực. Có thể nói, sự lạc hậu về chính sách trong Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành và Dự thảo Luật so với các quy định pháp luật khác đã, đang và sẽ hình thành “lỗ hổng” đáng kể về chính sách hỗ trợ, bảo vệ những người bị BLGĐ được xếp vào nhóm đối tượng yếu thế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần nghiên cứu bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế là người bị BLGĐ. Ví dụ: Liên quan đến biện pháp thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật: Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định người bị BLGĐ, người khuyết tật là đối tượng đặc thù, cần có biện pháp phổ biến, tuyên truyền phù hợp (Điều 19, 20). Tuy nhiên, trong Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành lẫn Dự thảo Luật vẫn chưa có quy định rõ cả ở tầm chính sách hay cụ thể những yêu cầu điều kiện về đảm bảo đặc thù dành cho đối tượng là người bị BLGĐ được ưu tiên bảo vệ theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật này, nhằm triển khai các hình thức thông tin, tuyên truyền, tư vấn theo quy định tại Điều 21, 23 của Dự thảo Luật. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần nghiên cứu bổ sung khẳng định rõ trong Luật việc giao cho Chính Phủ quy định những điều kiện đảm bảo đặc thù trong thông tin, giáo dục, truyền thông và tư vấn về BLGĐ đối với một số đối tượng được ưu tiên bảo vệ khỏi hành vi BLGĐ theo nguyên tắc quy định tại khoản 6 Điều 5 của Dự thảo Luật này. Các hoạt động về thông tin, tuyên truyền về BLGĐ cần đảm bảo về hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng người khuyết tật là người bị BLGĐ (chủ yếu phân theo dạng tật như người khuyết tật nhìn, người khuyết tật nghe nói,…). Liên quan đến các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi BLGĐ cũng đã được Luật Trẻ em năm 2016 quy định khá quyết liệt dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo các hình thức khác nhau, để bảo vệ trẻ em, vì sự an toàn của trẻ trong trường hợp chính trẻ em đó là nạn nhân của hành vi bạo lực của cha mẹ mình (Điều 62 Luật Trẻ em năm 2016); hay đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế (khoản 3 Điều 52 Luật Trẻ em năm 2016). Đây là vấn đề cần được cân nhắc, bỗ vào Dự thảo Luật này bằng phương pháp dẫn chiếu tới các quy định nói trên sung của Luật trẻ em 2016 nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật và nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị BLGĐ hiệu quả.
4. Về các biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình (Mục 2, Chương IV): Thứ nhất, về biện pháp cấm tiếp xúc (Điều 35 đến Điều 39 Dự thảo Luật): Xét dưới khía cạnh pháp lý, trong các biện pháp chấm dứt hành vi BLGĐ được quy định trong Dự thảo Luật thì biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi BLGĐ và người bị BLGĐ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 35 đến Điều 39) là một trong những biện pháp cần thiết. Đặc biệt, khắc phục những điểm bất cập trong thực tiễn, khoản 1 Điều 38 Dự thảo Luật đã trao cho người bị BLGĐ được quyền ưu tiên lựa chọn chỗ ở tại nhà hoặc nơi tạm lánh trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Quy định này nếu được thi hành trên thực tế sẽ góp phần bảo vệ an toàn cho người bị BLGĐ. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy quy định về “Thủ tục áp dụng các biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án” tại Điều 37 Dự thảo Luật cần phải được cân nhắc lại. Hiện nay, “cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ” là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 14 Điều 114, Điều 129 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và việc áp dụng biện pháp này phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo Điều 133 đến Điều 142 Chương VIII Bộ luật này. Theo đó, việc quy định đối với các trường hợp nêu quy định tại khoản 1, 2 Điều 37 Dự thảo Luật (vụ án ly hôn có nguyên nhân BLGĐ; vụ án ly hôn chưa rõ nguyên nhân, xét thấy nguy cơ xảy ra bạo lực cho nguyên đơn), Tòa án nhân dân ra quyết định cấm tiếp xúc là không phù hợp vì quy trình, thủ tục để Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do vậy, chúng tôi cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 Dự thảo Luật cho phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Thứ hai, về biện pháp tư vấn, hỗ trợ pháp lý, tâm lý cho người bị BLGĐ (Điều 43 Dự thảo Luật): Khoản 1 Điều 43 Dự thảo Luật quy định: “1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý hỗ trợ người bị bạo lực các dịch vụ tư vấn pháp lý trong việc giải quyết vụ việc BLGĐ; hỗ trợ pháp lý trong trường hợp vụ việc BLGĐ dẫn đến ly hôn, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ sau ly hôn”. Chúng tôi cho rằng cần xem xét sửa đổi nội dung khoản 1 Điều 43 Dự thảo Luật trên đây nhằm đảm bảo sử dụng thuật ngữ phù hợp và thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo không giới hạn phạm vi các hoạt động cần được hỗ trợ về mặt pháp luật của người bị BLGĐ. Cụ thể: Về thuật ngữ: Khoản 1 Điều này đang sử dụng các thuật ngữ “hỗ trợ pháp lý” và “dịch vụ tư vấn pháp lý”. Đây là hai thuật ngữ chưa có định nghĩa chung trong các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam. Riêng “hỗ trợ pháp lý” có sử dụng trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 với đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (dưới các hình thức cung cấp thông tin; bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp này). Trong khi đó, người bị BLGĐ hiện nay có thể được hỗ trợ dưới các hình thức chủ yếu như được trợ giúp pháp lý (nếu là người có khó khăn về kinh tế) hoặc có thể sử dụng các dịch vụ pháp lý dưới các hình thức khác nhau (tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng hoặc các dịch vụ pháp lý khác). Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần cân nhắc về cách sử dụng thuật ngữ để đảm bảo tính chuẩn xác của luật. Về nội dung: Chúng tôi nhận thấy quy định về “hỗ trợ pháp lý trong trường hợp vụ việc BLGĐ dẫn đến ly hôn, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ sau ly hôn” trong đoạn cuối của khoản 1 Điều 43 Dự thảo Luật này cũng cần phải cân nhắc sửa đổi, bổ sung vì quy định này dễ dẫn đến hiểu lầm hạn chế quyền được hỗ trợ về pháp luật của người bị BLGĐ cũng như phạm vi mối quan hệ “gia đình”: Căn cứ vào định nghĩa của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì phạm vi quan hệ gia đình không chỉ là quan hệ vợ – chồng mà còn quan hệ cha mẹ – con cái; anh chị em; ông bà – cháu…. nên hậu quả của hành vi BLGĐ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau, trong đó ly hôn chỉ là một hệ lụy. Và trong bất kỳ trường hợp nào thì nạn nhân của hành vi BLGĐ đều có thể được hỗ trợ về mặt pháp luật thông qua các hình thức khác nhau theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, các Bộ luật Tố tụng hiện hành.v.v… Thứ ba, về bảo vệ người bị BLGĐ trong quá trình xét xử tại tòa án (Điều 44 Dự thảo Luật): Khoản 1 Điều 44 Dự thảo Luật quy định: “Tòa án trụ tiên giải quyết các vụ BLGĐ liên quan đến trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi”. Việc quy định sự “ưu tiên” của Tòa án trong Dự thảo luật này là chưa phù hợp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống BLGĐ. Hơn nữa, quy trình thực hiện thủ tục giải quyết vụ án dân sự, hình sự liên quan đến BLGĐ đã được quy định và thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do vậy, chúng tôi cho rằng cần cân nhắc loại bỏ quy định này.
5. Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Chương VI) còn thiếu lồng ghép các quy định cần thiết đảm bảo quyền được hỗ trợ của các đối tượng yếu thế: Thứ nhất, về các loại hình cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ: So với Điều 26 Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, khoản 2 Điều 57 Dự thảo Luật đã bổ sung thêm hai loại hình cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ đó là: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Cơ sở hỗ trợ kiểm soát hành vi BLGĐ, mở rộng thêm các địa chỉ tin cậy hỗ trợ người bị BLGĐ khi cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo, nên nghiên cứu, tính đến phương án gộp chung một số cơ sở được quy định tại Điều 62 Dự thảo Luật như cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ; cơ sở hỗ trợ người bị BLGĐ; cơ sở hỗ trợ kiểm soát hành vi BLGĐ lại thành một mô hình tổng hợp trợ giúp người bị BLGĐ với tên gọi “Cơ sở hỗ trợ phòng, chống BLGĐ”. Trong đó, chức năng của loại cơ sở tổng hợp này sẽ bao gồm các hoạt động: Tư vấn (y tế, tâm lý, pháp luật;…); hỗ trợ nơi tạm lánh; khám bệnh, chữa bệnh (trong khả năng) và hỗ trợ các điều kiện vật chất khác (tạm gọi chung là hỗ trợ chăm sóc) và giao cho Chính Phủ quy định chi tiết vấn đề này. Và như vậy, thay vì đến nhiều cơ sở trợ giúp, nạn nhân BLGĐ chỉ cần đến 01 cơ sở là có thể được trợ giúp, hỗ trợ từ nhiều dịch vụ khác nhau (khám chữa bệnh; tư vấn tâm lý; tư vấn pháp luật; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu,…). Điều này sẽ tạo thuận tiện ở mức tối đa về thủ tục hành chính, về thời gian,… cho người bị BLGĐ (nhất là đối với người khuyết tật), đồng thời tăng cường trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong trợ giúp người bị BLGĐ theo quy định pháp luật. Về nhân sự, một số nhân sự đòi hỏi những yêu cầu chuyên môn chặt chẽ theo quy định pháp luật (như bác sĩ; trợ giúp viên pháp lý; tư vấn viên pháp luật; …), không cần có “biên chế cứng” tại Cơ sở hỗ trợ phòng, chống BLGĐ (tổng hợp) nói trên, mà hoàn toàn có thể được điều động từ các cơ quan, tổ chức khác, căn cứ vào Quy chế phối hợp và hợp đồng giữa Cơ sở này và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong điều kiện sẽ ra đời cơ chế phối hợp liên ngành như tại Điều 68 của Dự thảo Luật này, thì việc xây dựng mô hình Cơ sở hỗ trợ phòng, chống BLGĐ (tổng hợp) như phương án trên đây sẽ càng được tạo điều kiện đảm bảo thuận lợi, phát huy hiệu quả hoạt động. Thứ hai, về điều kiện (vật chất, nhân lực) của các cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ; cơ sở hỗ trợ kiểm soát hành vi BLGĐ và đặc biệt là các cơ sở hỗ trợ người bị BLGÐ: Mặc dù Dự thảo Luật đã quy định một hệ thống các cơ sở trợ giúp người bị BLGĐ và cũng quy định những tiêu chuẩn cơ bản về cơ sở vật chất và nhân sự đối với các cơ sở trợ giúp người bị BLGĐ (Điều 63, Điều 67). Tuy nhiên, kể cả Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành và Dự thảo Luật này đều không có bất kỳ một quy định nào ở mức độ chính sách nhằm đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở này trong việc đáp ứng yêu cầu tiếp cận công trình đối với người khuyết tật sử dụng. Trong khi đó, vấn đề tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đảm bảo tiếp cận đã được quy định rõ trong chính sách của Luật Người khuyết tật năm 2010 và pháp luật về xây dựng hiện hành (cụ thể là: Điều 39 và 40 Luật Người khuyết tật năm 2010; các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia như QCVN 10:2014/BXD về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, QCVN 04:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư… ). Bên cạnh đó, Dự thảo lần này cũng còn thiếu vắng những yêu cầu về điều kiện (mang tính nguyên tắc) về kỹ năng, chuyên môn của đội ngũ nhân sự trong các cơ sở hỗ trợ người bị BLGĐ nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của một số trường hợp đặc thù như người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật (đặc biệt là người khuyết tật nghe nói) theo quy định pháp luật. Viện Nghiên cứu đề nghị như sau: Về điều kiện cơ sở vật chất (Điều 63 Dự thảo Luật): Tại khoản 2 và 3 Điều 63 của Dự thảo Luật, bên cạnh các điều kiện về diện tích tối thiểu, vệ sinh, môi trường thì cần bổ sung quy định: Những cơ sở này phải đáp ứng được các quy chuẩn về công trình xây dựng đảm bảo các đối tượng yếu thế tiếp cận sử dụng và các quy chuẩn khác theo quy định pháp luật (như phòng cháy chữa cháy…), nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng bị BLGĐ như người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng yếu thế khác đều có thể tiếp cận được. Về điều kiện nhân lực (Điều 67 Dự thảo Luật), để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo chất lượng nhân viên hoạt động tại các cơ sở, đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 67 Dự Luật về tiêu chuẩn nhân viên là “Có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm tại cơ sở theo quy định của pháp luật”. Bởi lẽ, hiện nay một số hoạt động như chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật đều là hoạt động chuyên môn và đòi hỏi người tiến hành các hoạt động này phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo quy định pháp luật. Hơn nữa, để hỗ trợ một số trường hợp đặc thù như người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật (đặc biệt là người khuyết tật nghe nói), cũng cần phải có những quy định điều kiện về việc sử dụng/ huy động phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ người bị BLGĐ là người khuyết tật nghe nói,…). Bên cạnh đó, quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý tại Điều 61 Dự thảo Luật cũng phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành. Theo điểm e khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì nạn nhân của hành vi BLGĐ có khó khăn về tài chính (người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật) mới thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, chứ không phải tất cả đối tượng “người bị BLGĐ” đều được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí từ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Do đó, nên bỏ từ “miễn phí” trong điều này để tránh hiểu nhầm trong quá trình áp dụng pháp luật.
6. Về xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình và các biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình (Chương V Dự thảo Luật): So với Chương 5 Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, Chương V của Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ; góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ chưa đến mức phải xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đặc biệt là việc bổ sung mới quy định về giám sát người có hành vi BLGĐ; sử dụng phương tiện, thiết bị hỗ trợ để xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ; các biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi BLGĐ nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe, giáo dục người có hành vi BLGĐ. Chúng tôi đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung này. Tuy nhiên, trong các quy định này vẫn còn một số điểm cần lưu ý như: Trong quy định về giám sát người có hành vi BLGĐ (Điều 50 Dự thảo Luật), chúng tôi cho rằng cần quy định trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc ở khu dân cư trong việc huy động các tổ chức xã hội có liên quan tại cơ sở tham gia giám sát người có hành vi BLGĐ (ví dụ như huy động sự tham gia của Hội Người khuyết tật xã, phường tham gia giám sát tại cơ sở) nhằm tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội trong hoạt động giám sát nói trên. Các biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi BLGĐ tại khoản 2 Điều 53 Dự thảo Luật được quy định theo hướng liệt kê, điều này có thể gây nên tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, vì thực tế khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luật không thể dự liệu hết được các tình huống xảy ra trong tương lai cũng như các biện pháp cần áp dụng phù hợp khi đó. Do vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 53 này quy định: “d. Các biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi BLGĐ khác theo quy định pháp luật”.
7. Một số góp ý khác: Nhằm động viên, khuyến khích, tăng cường huy động tối đa sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân vào công tác phòng, chống BLGĐ, chúng tôi cho rằng cần phải bỗ sung quy định về khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hỗ trợ, bảo vệ người bị BLGĐ. Một số thuật ngữ cũng cần phải được xem xét lại, ví dụ: Thuật ngữ “bạo lực gia đình” được giải thích tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật đang thu hẹp lại so với Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần cân nhắc kế thừa lại cách quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, theo đó: “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình” nhằm phù hợp với pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hay, thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới” tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật cũng cần được xem xét xây dựng lại cho chính xác: Chúng ta đều hiểu giới là khái niệm chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội, trong khi đó, giới tính là khái niệm chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ. Thế nhưng, cách giải thích thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới” lại đang thu hẹp lại phạm vi của thuật ngữ này khi xác định hành vi BLGĐ này dựa trên “giới tính”. Ngoài những góp ý trên, vẫn còn một số vấn đề về mặt kỹ thuật trình bày văn bản cần phải lưu ý, ví dụ như cần thống nhất cách dùng từ ngữ “có thai” và “đang mang thai”; “người có hành vi BLGĐ” và “người gây BLGĐ”… trong toàn bộ Dự thảo Luật.