Nhiều gia đình Việt Nam từ xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Một trong những điều góp phần gìn giữ gia đình hạnh phúc bền vững là mỗi thành viên trong gia đình đều biết lấy văn hóa ứng xử làm gốc.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sự tồn tại và phát triển của gia đình cho đến ngày nay chính là do các mối quan hệ, ứng xử và tuơng tác giữa các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội. Một gia đình thuận hòa, hạnh phúc, các thành viên luôn yêu thương, quan tâm, tôn trọng và chia sẻ cũng như hy sinh vì nhau, không ngại thiệt thòi, không suy bì hơn thua.
Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng với cội nguồn.
Thời kỳ này, dù văn hóa ứng xử đã có nhiều thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn là sự duy trì giá trị ứng xử gia đình truyền thống và áp dụng linh hoạt cái mới trong thời kỳ mới.
Giao tiếp ứng xử có văn hoá, có đạo đức là cơ sở để có những mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng, trong hợp tác quốc tế hay trong những mối quan hệ tình nghĩa gia đình, xóm làng… là cơ sở để tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, văn minh và làm nên nét đẹp dân tộc./.