Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã xây dựng Báo cáo về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác gia đình tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của gia đình, nhận định rõ gia đình là nền tảng phát triển phát triển kinh tế – xã hội do đó được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Mỗi gia đình đã thực sự là tế bào, là hạt nhân tích cực xây dựng cộng đồng, địa phương phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Nhiều giá trị đạo đức, nền nếp trong gia đình cùng với các quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống cộng đồng dân cư, người dân có ý thức tốt hơn trong việc xây dựng gia đình hoà thuận – ấm no – tiến bộ- hạnh phúc; tình làng nghĩa xóm được củng cố; truyền thống đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được nhân rộng; thực hiện nếp sống văn minh thu được nhiều kết quả.
Các mục tiêu về gia đình cùng với chương trình xoá đói giảm nghèo, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác dân số, KHHGĐ… ngày càng được các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng gia đình và xã hội quan tâm tổ chức nhiều phong trào thi đua tại cơ sở, điển hình là phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào gia đình hiếu học,…công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, người có công ngày càng được quan tâm, kịp thời, chu đáo, đúng quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Việc quán triệt, phổ biến nội dung Chỉ thị, tổ chức thực hiện và công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết Chỉ thị 49-CT/TW, Chị thị 16-CT/TU, Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, mang tính hình thức nên chất lượng, hiệu quả của công tác gia đình chưa cao.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, … tuyên truyền về công tác gia đình tại địa phương chưa được thường xuyên. Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai tại cơ sở song chưa duy trì được hoạt động thường xuyên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra.
Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa hàng năm đều tăng, nhưng đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp; các giá trị văn hoá gia đình, nếp sống gia đình truyền thống có nguy cơ mai một, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn cao, ly hôn có chiều hướng gia tăng, tảo hôn, sinh con thứ 3 vẫn xảy ra; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em ở một số nơi vẫn còn buông lỏng; tình trạng trẻ em hư, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; công tác chăm sóc, phụng dưỡng người già, người tàn tật chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở còn nhiều bất cập, chưa được đào tạo chuyên môn về gia đình, thường xuyên bị luân chuyển; cấp huyện, xã chưa quan tâm bố trí kinh phí triển khai nhiệm vụ công tác gia đình nên nhiều hoạt động chưa được triển khai hoặc có triển khai nhưng thực hiện lồng ghép nên chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Công tác theo dõi, thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở còn chưa chặt chẽ, đầy đủ, chưa đảm bảo độ tin cậy; công tác tổng hợp, báo cáo còn qua loa, đại khái.