Ngày 19 tháng 10 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản số 5043/UBND-VX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thống nhất với nội dung các văn bản dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Tuy nhiên để hoàn thiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tham gia một số ý kiến như sau:
Cụ thể, đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Chỉ tiêu 6, 7 (tại tiểu mục 3 – Các chỉ tiêu phấn đấu) đề nghị điều chỉnh, đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và đến năm 2030 để có lộ trình phấn đấu thực hiện (đến hết năm 2025 cần có đánh giá sơ kết kết quả thực hiện các chỉ tiêu Chiến lược, đưa ra giải pháp phù hợp thực hiện giai đoạn đến năm 2030). Các tiểu mục từ 1 đến 21 (Mục VII – Tổ chức thực hiện) đề nghị để chữ đậm tên các cơ quan, bộ, ngành. Tại điểm c, tiểu mục 16 (Mục VII – Tổ chức thực hiện) đề nghị điều chỉnh thành: “Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình, xoá bỏ các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình”.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030: Đề nghị để chữ đậm các mục I, II, III, IV,V cùng tên tiêu đề từng mục. Tại tiểu mục 3 (Mục I – Quan điểm) đề nghị điều chỉnh thành: “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình luôn kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn liền với tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến, tiêu biểu, văn minh của gia đình trong xã hội phát triển”. Lý do: Điều chỉnh phù hợp với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng,
chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Tại điểm d, đ tiểu mục 2 (Mục IV- Nhiệm vụ và giải pháp) đề nghị điều chỉnh thành điểm c, d (theo thứ tự), đồng thời điều chỉnh nội dung tại đ thành: “Kiện toàn Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp, nâng cao năng lực……; xây dựng đội phản ứng nhanh ở thôn, tổ dân phố và ở các xã/ phường/ thị trấn nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các vụ việc bạo lực gia đình”. Tại điểm b, tiểu mục 12 (Mục VI – Tổ chức thực hiện) đề nghị điều chỉnh thành: “Bố trí ngân sách thực hiện Chương trình, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tại địa phương đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu chương trình; rà soát, ưu tiên…”. Tại điểm c, tiểu mục 12 đề nghị điều chỉnh thành: “Chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở các thôn, bản, tổ dân phố”. Tại điểm d, tiểu mục 12 đề nghị điều chỉnh thành: “Chỉ đạo việc phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của tổ, thôn, ấp…;” Tại điểm h, tiểu mục 12 đề nghị điều chỉnh thành: “Theo dõi, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình gắn với công tác phòng, chống bạo lực gia đình định kỳ hằng năm; tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình ở địa phương gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”
Đối với dự thảo Quyết định Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Đề nghị điều chỉnh lại các mục I, II, III (chưa có mục II) và thống nhất để chữ đậm các mục I, II, III và tiêu đề mục. Tại điểm d, tiểu mục 6 (Mục III – Nhiệm vụ và giải pháp) đề nghị điều chỉnh thành: “Bộ Tư pháp tăng cường công tác quản lý Tư pháp, đăng ký hộ tịch, xây dựng các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để hạn chế tình trạng tảo hôn, không đăng ký kết hôn, kết hôn cận huyết thống; hoạt động tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng và đối tượng trước khi kết hôn; trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, giảm tình trạng tiêu cực trong hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.”. Lý do: Tăng cường công tác giữ gìn, bảo vệ pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình; trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, giảm tình trạng tiêu cực trong hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.