Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã xây dựng Báo cáo về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Thông báo kết luận số 26-TB/TW
Các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 49 và Thông báo số 26; đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở cùng phối hợp, lồng ghép triển khai thực hiện các mục tiêu của chỉ thị gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng gia đình của tỉnh ngày càng được quan tâm, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã phát huy tinh thần trách nhiệm đối với gia đình. Ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, hỗ trợ để gia đình phát triển kinh tế và cải thiện nâng cao đời sống vật chất, khẳng định ví trí, vai trò của gia đình là một trong những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Đại bộ phận các gia đình trong tỉnh có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Gia đình ở khu vực nông thôn ít biến đổi hơn gia đình ở khu vực thành thị về mọi phương diện. Nhiều giá trị truyền thống trong gia đình được giữ gìn và phát huy như giáo dục đạo đức, nhân cách cho các thành viên, duy trì nền nếp gia phong, thờ cúng tổ tiên, tổ chức thăm hỏi giúp đỡ những người cùng họ hàng, làng xóm. Nhiều chuẩn mực giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình đã góp phần xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam như: tinh thần yêu quê hương, đất nước, thủy chung, cần cù và hiếu học, chăm sóc và phụng dưỡng người cao tuổi, chăm sóc trẻ em trong gia đình…Mô hình điển hình tiên tiến về gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, gia đình hiếu học…xuất hiện ngày càng nhiều, thiết thực góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Một số cấp ủy đảng quán triệt, triển khai, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 49 và một số văn bản liên quan về gia đình, công tác xây dựng gia đình của Trung ương, của tỉnh ủy chưa sâu, chưa sát với thực tế ở cơ sở; thiếu kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, để kịp thời điều chỉnh.
Một số sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đoàn thể nhân dân, cộng đồng dân cư chưa quan tâm đến gia đình và công tác xây dựng gia đình, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình mình để vận động, tuyên truyền nhân dân noi theo, cùng tham gia thực hiện.
Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 49 và các văn bản liên quan thiếu đồng bộ; chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; hiệu quả của việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ liên quan đến gia đình chưa cao.
Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nhân lực về gia đình chủ yếu làm kiêm nhiệm, không có chuyên môn về gia đình, do đó dẫn đến hiệu quả công việc chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng, cơ sở tư vấn về PCBLGĐ và cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình chưa được thành lập các hoạt động hỗ trợ không có chuyên biệt mà chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động của các hội, nhóm ở khu dân cư để hoạt động.