Theo báo cáo, công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh đã được các đơn vị, địa phương quan tâm, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; nắm chắc tình hình bạo lực gia đình; làm tốt công tác hòa giải, ngăn chặn, giải quyết tốt một số mâu thuẫn, xung đột, không để xảy ra tình trạng phức tạp, nghiêm trọng; lồng ghép phòng, chống bạo lực gia đình với chủ trương bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm góp phần hạn chế bạo lực gia đình.
Các hoạt động tuyên truyền, công tác tập huấn về các chủ trương, chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức, triển khai với nội dung phong phú và nhiều hình thức đổi mới như: Băng rôn, khẩu hiệu, đĩa CD, sổ tay, loa phát thanh, hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim lưu động,…
Toàn tỉnh hiện có 1.864 tổ hòa giải với 11.558 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã hòa giải thành 2.271/3.024 vụ việc, đạt tỷ lệ 75%. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được duy trì tại 11 huyện, thành phố. Công tác hỗ trợ, trợ giúp pháp lý đã kịp thời tư vấn, giải đáp pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bên cạnh những điểm tích cực đã đạt được, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Chưa bố trí được nguồn kinh phí riêng để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác gia đình; Công tác bổi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên chưa được tiến hành thường xuyên; Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa rộng rãi, nhiều người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận thông tin; Nhận thức của người dân còn hạn chế nên không nhận biết được đâu là hành vi bạo lực, không tố cáo hành vi của các đối tượng, không hợp tác với các cơ quan chức năng.