Cha mẹ là những người đầu tiên trong cuộc đời mà đứa trẻ giao tiếp và học cách giao tiếp. Giao tiếp, trò chuyện là yếu tố quan trọng để hình thành và củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đây cũng chính là chìa khóa để hình thành sự hiểu biết, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, là nền tảng để duy trì mối quan hệ này trong suốt cuộc đời.
Trong giao tiếp, lắng nghe là bước gợi mở đầu tiên trong mỗi cuộc trò chuyện, việc cha mẹ chú ý lắng nghe sẽ giúp con trẻ tự tin bộc bạch, thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm của mình. Trong gia đình Việt Nam, đôi khi bị ảnh hưởng bởi những khuôn mẫu về quyền lực, cha mẹ thường bắt con cái phải nghe lời, không được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng nếu cha mẹ đưa ra ý kiến. Nhưng ngược lại, có những bậc cha mẹ không sẵn sàng lắng nghe con cái chia sẻ hoặc sẵn sàng gạt đi nếu đó là những điều họ cho rằng không phù hợp.
Những nguyên tắc để cha mẹ lắng nghe con cái
Khuyến khích trẻ luôn sẵn sàng nói ra vấn đề, câu chuyện, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Tôn trọng, không cắt lời trẻ. Tắt tivi, đặt điện thoại xuống khi con muốn chuyện trò cùng bạn.
Khi trẻ muốn nói chuyện riêng, đừng để mọi người xung quanh tham gia vào.
Hãy lắng nghe trẻ một cách chăm chú và lịch sự. Đừng ngắt lời trẻ khi trẻ đang cố kể câu chuyện của mình. Hãy lịch sự lắng nghe con vì bạn chính là người bạn tốt nhất của con.
Đừng làm trẻ mất hứng bằng cách chặn sự phát triển câu chuyện của trẻ, ví dụ những câu như ”mẹ không quan tâm là các bạn ấy đang làm gì nhưng con tốt nhất là không được tham gia vào đó đấy”.
Đừng hỏi vì sao mà hãy hỏi là chuyện gì xảy ra.
– Hãy là một người lớn biết trò chuyện với trẻ chứ không phải là rao giảng với trẻ kiểu “con chỉ được nói khi mẹ đã nói xong rồi”; “mẹ biết những gì là tốt nhất cho con.”; “Chỉ cần làm những gì mẹ nói thôi” …
Đừng phán xét, phản ứng, hạ thấp con cái khi trẻ nói về những lỗi lầm đã xảy ra hay những mong muốn mà cha mẹ cho rằng không phù hợp.
Luôn ân cần, kiên nhẫn, quan tâm để trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn ở bên cạnh và sẵn sàng lắng nghe, giúp đỡ,
Không xen vào và bày tỏ những ý kiến chủ quan ngay khi trẻ đang trò chuyện bởi như vậy trẻ có thể dừng lại, không nói thật/nói hết những vấn đề của mình.
Những từ ngữ, cử chỉ dùng để ngợi khen và khuyến khích trẻ
Trẻ em phát triển nhờ sự quan tâm mang tính tích cực của người lớn. Chúng cần được yêu thương và khen ngợi. Hãy sử dụng hàng ngày những từ ngữ sau với trẻ:
“Đúng rồi, tốt, rất tốt, tuyệt vời, đúng là con trai/con gái của mẹ”.
“Mẹ thích con làm như vậy, mẹ rất tự hào vì con”.
“Làm tốt lắm, đúng như vậy đấy”
“Khá hơn nhiều đấy, con làm tốt hơn rồi đấy, đúng là một ý tưởng hay”.
“Con tiến bộ lắm, cứ như thế nhé, hay thật đấy”.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ cử chỉ cha mẹ sử dụng khi lắng nghe con cái cũng rất quan trọng, hỗ trợ việc chia sẻ, bộc bạch những suy nghĩ. Cha mẹ nên nhìn thẳng vào con, mỉm cười, vỗ về để khuyến khích, chia sẻ với con.
Việc lắng nghe giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa để cha mẹ và con cái xây dựng và củng cố tình yêu, sự tin tưởng, tôn trọng. Những người con sẽ cảm thấy mình luôn được sự ủng hộ từ phía cha mẹ, gia đình để nếu có những khó khăn, vấp váp trên đường đời, họ vẫn có thể quay trở về để được giãi bày những nỗi niềm và nhận lại năng lượng, sự động viên để tiếp tục cố gắng.