Với việc vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành chức năng, chính quyền các cấp địa phương, thời gian qua công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai mạnh mẽ với 635 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống BLGĐ.
Nhiều vụ án liên quan đến vấn đề BLGĐ, vấn nạn xâm hại trẻ em đã để lại những hậu quả đau lòng cho toàn xã hội. Nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ thường xuất phát từ những vấn đề như trọng nam khinh nữ, khó khăn về kinh tế, ngoại tình hay các nguyên nhân về xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút… đã đẩy nhiều gia đình rơi vào “ngõ cụt”, sự bế tắc. Câu chuyện về cháu bé Vũ Quốc Linh (SN 2008, xã Tế Tân, Nông Cống) bị chính cha đẻ tẩm xăng đốt mà chúng tôi nêu ở kỳ báo trước chính là xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình, vợ chồng sống không hòa thuận.
Vì vậy việc thành lập, hoạt động hiệu quả của các mô hình như CLB phòng, chống BLGĐ là cấp thiết và phù hợp, thể hiện sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng. Theo báo cáo mới nhất của Sở VH,TT&DL, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 635 xã, phường, thị trấn có các mô hình phòng, chống BLGĐ.
Hiện tại, nhiều địa phương đã và đang tích cực triển khai các mô hình CLB như “gia đình phát triển bền vững”, “gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “phụ nữ với pháp luật”, “gia đình nuôi dạy con ngoan”, “gia đình 5 không, 3 sạch”… thông qua các mô hình trên những nội dung tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ , Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình…
Việc các mô hình ra đời đã tích cực tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, các hội viên chủ động nắm bắt thông tin, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ, hỗ trợ ăn, ở tạm thời; báo cáo với chính quyền địa phương và phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc liên quan đến BLGĐ, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân dân.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Thành là một trong những đơn vị hoạt động năng nổ, tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ. Theo bà Lê Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội cho biết: Để giảm thiểu những vụ việc liên quan đến BLGĐ, đặc biệt là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Hội thường xuyên phối hợp với phòng Tư pháp tổ chức tập huấn cho các hội viên cơ sở; mở hàng trăm lớp tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ với hàng chục ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia. Đến nay, trên địa bàn đã có rất nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: thị trấn Kim Tân, các xã Thành Hưng, Ngọc Trạo, Thành Kim…
Cũng theo bà Tuyết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, ngoài sự nhiệt tình, đòi hỏi đội ngũ các hội viên CLB phải am hiểu pháp luật, có kỹ năng tư vấn, bảo vệ nạn nhân. Khi cần thiết có thể phối hợp với lực lượng chức năng can thiệp, xử lý kịp thời. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, người tuyên truyền cần phải hiểu tập quán, ngôn ngữ để giao tiếp, vận động, tạo sự gần gũi giữa người nói và người nghe.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường vận động, tuyên truyền đến các gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các CLB phòng, chống BLGĐ đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân, giảm thiểu dần các vụ BLGĐ gây nhức nhối trong dư luận, tạo ra sức lan tỏa rộng khắp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác phòng, chống BLGĐ còn bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới như: việc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ của một số hội viên; việc phát hiện, giới thiệu, nhân rộng các gương điển hình tiêu biểu trong việc xây dựng các mô hình còn chậm, thiếu sức lan tỏa; nội dung sinh hoạt của các CLB “gia đình phát triển bền vững”, nhóm phòng, chống BLGĐ còn mang tính hình thức, chưa rõ nét, linh hoạt; nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế…
Đình Giang (nguồn: vanhoadoisong.vn)