Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11 – 15/12/2021) được triển khai với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG, xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Cùng với thông điệp này, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung trọng tâm là tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, vai trò của việc tăng quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái trong việc thúc đẩy BĐG. Chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch đảm bảo kịp thời. Các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ BĐG và ứng phó với bạo lực giới tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh. Huy động nguồn lực để truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột.
Mục tiêu chung của chiến lược là xoá bỏ tư tưởng định kiến về giới, bảo đảm BĐG thực chất giữa nam và nữ; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Theo đó, trong lĩnh vực chính trị, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế – lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% năm 2025 và khoảng 60% năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc ở khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% năm 2025, dưới 25% năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX đạt ít nhất 27% năm 2025, 30% năm 2030. Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần năm 2025, 1,4 lần năm 2030 so với nam giới; đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50%, năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn; từ năm 2025 trở đi, 100% nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng; đến năm 2025 có 90% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.