Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, thừa kế và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, từ đó đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng gia đình và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình theo nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết 33 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước.
Chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và nội dung theo tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không thực chất phong trào và chất lượng gia đình văn hóa. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình gia đình văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những giá trị mới tiên tiến.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình, xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình và các dịch vụ xã hội có liên quan đến công tác gia đình.
Đẩy mạnh truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân gia đình, giúp gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Vận động khuyến khích xã hội và mọi gia đình tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của gia đình, kinh nghiệm về lao động sản xuất; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa phù hợp với xã hội và yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát động phong trào quần chúng chăm lo xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc;
Tiếp tục tham mưu kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương;
Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, chiến lược phát triển gia đình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; chú trọng nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình đáp ứng nhu cầu của nhân dân;
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa gia đình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.