Ngày 13 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đã xây dựng Báo cáo số 1367/BC-SVHTTDL về việc tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010 – 2020
Việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, đã phát huy được hiệu quả, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai và duy trì, nhân rộng; hoạt động truyền thông được nâng cao, đối tượng truyền thông cho nhóm nam giới có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, giáo dục về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, phổ biến quyền cho phụ nữ và trẻ em gái biết kỹ năng tự bảo vệ mình tránh nguy cơ bị xâm hại…Người phụ nữ đã mạnh dạn hơn trong việc đóng góp ý kiến với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi xảy ra bạo lực tại gia đình.
So với thời điểm trước khi ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP thì nhận thức của cán bộ và Nhân dân ngày càng nâng lên rõ rệt và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể, những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là đóng góp vào công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi. Hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương. Số vụ bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt năm 2010 toàn tỉnh có 8.384 vụ bạo lực gia đình, đến cuối năm 2019 chỉ còn 195 vụ. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3-5%/năm, tính đến ngày 31/12/2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 30%. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng, năm 2010 toàn tỉnh có 67,9% hộ gia đình được công nhận danh hiệu văn hoá đến năm 2019 có 82,5% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa trên toàn tỉnh, tăng 14,6%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện Chiến lược và các văn bản, đề án về công tác gia đình còn những hạn chế, yếu kém.
Việc chấp hành quy định của Luật hôn nhân và gia đình có mặt còn hạn chế: Tình trạng ly hôn, ly thân có xu hướng gia tăng và có những tác động tiêu cực về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Một số giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình như: hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về tư tưởng, lối sống trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tệ nạn xã hội như: Ma túy, cờ bạc, rượu chè và nạn dịch HIV/AIDS… đang thâm nhập vào các gia đình. Tình trạng bạo hành trong gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, lạm dụng, trẻ em mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Việc tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho những hộ gia đình làm nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp chưa có giải pháp hữu hiệu, thiết thực và thỏa đáng. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả đạt được chưa vững chắc. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về gia đình còn hạn chế, các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình.