Ngày 13 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã xây dựng Báo cáo số 1749/BC-SVHTTDL về việc tổng kết 10 năm thực hiện “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Thực hiện Quyết định số 3391/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án
Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2010 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thí điểm Đề án tại thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên. Ngay sau khi được thành lập và tập huấn nghiệp vụ, Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp xã lập kế hoạch triển khai xây dựng Mô hình điểm đi vào hoạt động có nề nếp, phân công trách nhiệm cho các thành viên phụ trách từng nội dung của công tác tuyên truyền; mỗi quý họp 01 lần để đánh giá kết quả công tác triển khai thực hiện. Đồng thời gắn nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam với nội dung các phong trào trong các buổi sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Hiệu quả của việc tổ chức tuyên truyền đã có tác dụng nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình không ngừng được nâng lên, giảm thiểu thấp nhất các vụ bạo lực gia đình; các gia đình sống hoà thuận, đùm bọc yêu thương nhau hơn, tính cộng đồng trong xã hội không ngừng được củng cố và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp xã đã tổ chức sinh hoạt với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, sáng tạo và sức hấp dẫn, dàn dựng nhiều tiểu phẩm vui tuyên truyền về đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống BLGĐ, tổ chức trò chơi hái hoa dân chủ, thi tìm hiểu Luật, Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình…
Nhận thức được hiệu quả của việc triển khai thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp đã chủ động nhân rộng nhiều Mô hình điểm đến các địa bàn (ngoài các địa bàn hoạt động bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh). Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh đã triển khai duy trì và nhân rộng được 06 Mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Về công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng trên 100 phóng sự tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình phát sóng trên kênh Truyền hình tỉnh Lai Châu. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tỉnh đăng tải trên 1.200 bài viết tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình trên cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh.
Tuyên truyền thông qua tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, Hội thi thể thao gia đình; Tọa đàm kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11)…
Về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án: Hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, triển khai kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình nói chung, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nói riêng. Qua đó, nâng cao nhận thức và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư vào công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong giai đoạn 2010 – 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 16 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình trong đó có nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho đối tượng là cán bộ theo dõi công tác gia đình cấp tỉnh, cấp huyện tham gia.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đều mở các lớp tập huấn nghiệp vụ có lồng ghép nội dung về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam cho cán bộ làm công tác gia đình của xã, phường, thị trấn, nhằm trang bị những kỹ năng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung về công tác gia đình, giáo dục đời sống gia đình, nâng cao kỹ năng tư vấn, kỹ năng hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cho các hộ tại cơ sở. Trong đó đặc biệt chú trọng việc tuyêntruyền, giáo dục cho các gia đình, các thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức lối sống, cách ứng xử trong gia đình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án còn có những khó khăn như công tác tuyên truyền tuy đã được đẩy mạnh song vẫn chưa đáp ứng được
yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm chú trọng đến việc thực hiện Đề án nên hiệu quả chưa cao. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động công tác gia đình, các nội dung hoạt động của Đề án còn ít. Nhận thức về giới và bình đẳng giới còn hạn chế; quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ”; tư tưởng gia trưởng, gia quyền còn nặng nề vì vậy một số vấn đề về đạo đức, lối sống theo chuẩn mực chưa được thực hiện tốt, bình đẳng
trong các gia đình hiện nay.