Để thực hiện tốt công tác gia đình giai đoạn 2020-2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đề xuất những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình. Tiếp tục quán triệt, phổ biến, triển khai các chỉ thị, Nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công tác gia đình. Đưa nhiệm vụ công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức khó khăn về gia đình và công tác gia đình; xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quan tâm một cách thiết thực và toàn diện hơn nữa đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người để xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững”.
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới nội dung và giải pháp truyền thông về gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, cùng các kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình. Giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình hỗ trợ gia đình có hiệu quả; phê phán những biểu hiện không đúng, không lành mạnh và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Thứ ba, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, ổn định cuộc sống. Tập trung nguồn lực, thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp, mở rộng chính sách khuyến khích để phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có chính sách và biện pháp cụ thể để xây dựng gia đình, bảo đảm sự phát triển bền vững của gia đình.
Thư tư, xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội….
Thứ năm, từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp, hàng năm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống tron gia đình cho cán bộ trực tiếp làm công tác gia đình. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng các ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.