Xã hội hiện đại, mọi người thường nhắc nhau về kỹ năng ứng xử nơi công cộng, kỹ năng ứng xử ở trường học, công sở hay kỹ năng ứng xử trong gia đình…mà dường như chưa đề cập nhiều đến kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội…
Từ thực tiễn sử dụng mạng xã hội đã hình thành nên văn hóa ứng xử trên mạng. Văn hóa ứng xử trên MXH được hiểu là hệ thống giá trị chi phối nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong các mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân khi tham gia MXH, phản ánh trình độ phát triển của cá nhân và cộng đồng.
Văn hóa ứng xử trên MXH bao hàm cả mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh, biểu hiện ở chỗ mỗi người biết góp phần tuyên truyền trên MXH về bảo vệ môi trường thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên, sống xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện; biết yêu thương, chăm sóc, bảo vệ các loài động vật,… Văn hóa ứng xử trên MXH còn thể hiện trong mối quan hệ với chính bản thân, với các giá trị như sự khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, có chính kiến, lập trường, quan điểm rõ ràng; tinh thần cầu thị, học hỏi, không tự kiêu, tự đại hoặc tâm lý tự ti, thiếu tin vào bản thân,…
Mối quan hệ trên MXH có phạm vi rộng lớn, đa dạng và khó kiểm soát hơn mối quan hệ trong đời thực. Một cư dân mạng có thể có thiết lập quan hệ bạn bè khắp thế giới, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp,… Một cá nhân có thể tham gia nhiều MXH khác nhau với danh tính được công khai, cũng có thể ẩn danh, thậm trí mạo danh người khác. Có trường hợp một người tham gia một MXH với nhiều tài khoản khác nhau.
Do tính tương tác trực tiếp, tính tức thời trong giao tiếp nên việc đánh giá cảm xúc, thái độ, hành vi khó chính xác, kể cả những giao tiếp qua hình ảnh như gọi điện bằng Mesenger, Skype, Zalo,… Các cảm xúc thật có thể bị che dấu, không bộc lộ hoặc bộc lộ không đầy đủ, thậm trí bộc lộ trái ngược. Sự giao tiếp bằng ánh mắt, những điệu bộ, cử chỉ thân thiện, tình cảm chân thật khó có thể biểu hiện và tác động như ngoài đời thực.
Ngôn ngữ sử dụng trong giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội chủ yếu là ngôn ngữ viết và ký hiệu. Chẳng hạn, nhận xét, bình luận bằng chữ viết, hoặc tỏ thái độ bằng như ký hiệu và hình ảnh như: like (thích), love (yêu thích), cười (haha), ngạc nhiên, buồn, phẫn nộ… trên trang Facebook; nhắn tin, tỏ thái độ bằng lời hoặc ký hiệu hình ảnh trên Zalo.
Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều nhân vật được coi là “thủ lĩnh tinh thần”, “người dẫn dắt dư luận”. Một số nhân vật nổi tiếng chỉ bằng cách đưa những câu chuyện “sốc, sex, sến” nhưng vô tình đã “tung hỏa mù” làm “bẩn” môi trường mạng xã hội. Có kẻ thì núp dưới chiêu bài từ thiện đánh vào tâm lý thương người của số đông để trục lợi; cá biệt cho kẻ còn lợi dụng những mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân để đưa chuyện không đúng lên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ, kích động… Và trong sự “nổi tiếng” của những đối tượng này có một phần trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta khi tham gia mạng xã hội, vô tình hay cố ý, bị cuốn theo những cuộc tranh luận do họ dựng lên có chủ đích xấu. Mạng xã hội có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội.
Chính vì sự đa dạng và phức tạp về nội dung và hình thức khi giao tiếp trên mạng xã hội, vì vậy, con người khi tham gia mạng xã hội phải tạo cho mình một số kỹ năng.
Thứ nhất: Kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, thế giới mạng có đầy đủ tính chất của một xã hội thu nhỏ. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội là rất quan trọng. Kỹ năng giao tiếp giúp duy trì các mối quan hệ xã hội, mở rộng các mối quan hệ mới và rút ngắn khoảng cách địa lý, tình cảm mà đời thực có thể không làm được
Thứ hai: Kỹ năng đối phó với dư luận xã hội. Khi tham gia mạng xã hội là chúng ta luôn đặt mình trước tình huống có thể chịu tác động của dư luận xã hội. Ví dụ chỉ một bài đăng trên mạng xã hội có thể hàng trăm, nghìn thậm chí hàng triệu người biết đến và bình luận. Vì vậy, khả năng tạo dư luận xã hội là hoàn toàn có thể
Thứ 3: Kỹ năng vượt qua khủng hoảng mạng xã hội
Khi tạo ra dư luận xã hội, có thể có dư luận tốt, và có thể có dư luận xấu. Dư luận tốt có thể mang lại cảm giác vui vẻ, hưng phấn về tâm lý. Ngược lại, dư luận xấu có thể đẩy ta vào khủng hoảng. Vì vậy, để sẵn sàng với mọi tình huống mà mạng xã hội mang lại, ta cũng cần trang bị kỹ năng vượt qua khủng hoảng.
Thành ngữ có câu “năm người mười ý” nhưng cũng có câu “nhiều cái đầu sáng suốt hơn một cái đầu”. Điều đó cho thấy việc tranh luận nào thì cũng có hồi kết, và những ý kiến kết luận thường là ý sáng suốt. Vấn đề là làm sao tập hợp được những “cái đầu sáng” để cùng đưa ra ý kiến lành mạnh, bổ ích. Trước khi ý kiến sáng suốt cuối cùng được đưa ra, mỗi người hãy nên bình tâm suy nghĩ để đưa ra ý kiến một cách chính xác, thấu đáo, có văn hóa. Việc đơn giản vậy nhưng sẽ góp phần làm trong sạch môi trường thông tin trên mạng xã hội.