Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum đã xây dựng Báo cáo về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Nhìn chung, trong thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và các cấp chính quyền đã tạo phương hướng để các ngành, đoàn thể, địa phương có sự phối hợp tích cực triển khai công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những kết quả mà công tác Gia đình đem lại góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của gia đình truyền truyền thống. Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhận thức của nhân dân về vị trí vai trò của gia đình đã từng bước được nâng lên, các quy phạm pháp luật về Gia đình kịp thời chuyển tải đến từng phạm vi gia đình. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được các gia đình tham gia, ủng hộ theo hướng tích cực. Xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững đang trở thành mục tiêu mà nhiều gia đình ở tỉnh Kon Tum đang hướng đến.
Qua 15 năm triển khai thực hiện xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đã được triển khai đến các tầng lớp nhân dân. Một số địa phương, đoàn thể đã quan tâm việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về gia đình; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình, đồng thời ý thức trách nhiệm đối với công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thể hiện bằng những việc làm cụ thể như: tập trung phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện quy ước, hương ước khu dân cư; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày cũng như giúp nhau phát triển kinh tế; tập trung nuôi con khỏe, dạy con ngoan; có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc người già trong gia đình… Đồng thời triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động các gia đình tự nguyện, tự giác tích cực thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; giữ gìn, phát huy văn hóa gia đình, truyền thống tốt đẹp của dòng họ gắn với xây dựng những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời đại mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Công tác Gia đình là một lĩnh vực mới do nhiều ngành phối hợp triển khai, cơ cấu tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác gia đình luôn thay đổi dẫn đến hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu đạt được chưa cao trên địa bàn tỉnh ta.
Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ đặt ra ở Chỉ thị 49-CT/TW, Chương trình số 95-CTr/TU ngày 02/8/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 với các chỉ tiêu cụ thể, song việc triển khai chưa được đồng bộ và có hiệu quả cao.
Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục. Chưa có sự phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, giám sát đánh giá các chương trình mục tiêu về gia đình, nên chưa đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Gia đình cho đối tượng là quần chúng nhân dân chưa chú trọng vào diện rộng, chỉ chú trọng vào chiều sâu, một số địa điểm thuận lợi, dân trí cao, đối tượng thuận lợi như cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên. Vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn công tác truyền thông chưa đạt mục tiêu thật sự làm chuyển biến ý thức, hành vi đối với từng người dân, từng thành viên gia đình.
Công tác ghi chép, thống kê số liệu sổ theo dõi công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình chưa được cập nhật thường xuyên; việc đánh giá và báo cáo kết quả công tác gia đình chưa được chính xác, đúng thời gian quy định.
Mô hình, câu lạc bộ về gia đình, phòng/chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy có đạt một số kết quả nhưng hoạt động còn mang tính cầm chừng, mờ nhạt, chưa thu hút phát triển số lượng thành viên. Các địa điểm hỗ trợ, trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình còn thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện và cấp cơ sở không được ổn định, luôn thay đổi nên kết quả bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác gia đình chưa được phát huy hiệu quả.
Công tác lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo về công tác gia đình chưa được triển khai có hiệu quả ở cấp xã, phường. Số liệu thống kê chưa được cập nhật thường xuyên và chính xác.