Theo khảo sát của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, sự phổ biến của nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) đã lan rộng ra nhiều quốc gia. Trên khắp thế giới, tính trung bình có 3 phụ nữ bị giết mỗi ngày vì BLGĐ. Hơn 40% nạn nhân là phụ nữ bị giết bởi chồng hoặc bạn trai của họ. Phụ nữ từ độ tuổi từ 20 đến 24 có nguy cơ lớn nhất là nạn nhân của bạo hành.
Trước tình trạng BLGĐ đang vi phạm nghiêm trọng tới quyền sống của người phụ nữ và ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của trẻ em, các quốc gia đã nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra những kinh nghiệm phòng chống BLGĐ.
Tại Mỹ và châu Âu: Ủy ban về BLGĐ tìm cách giải quyết BLGĐ từ góc độ pháp lý, nhằm tăng cường tiếp cận công lý cho các nạn nhân của BLGĐ bằng cách lôi kéo sự tham gia, quan tâm, hỗ trợ của các luật sư. Tăng cường hướng dẫn, đào tạo các khóa học về luật phòng chống BLGĐ cho các cặp vợ chồng mới kết hôn. Lập các đường dây nóng dành cho nạn nhân bị bạo hành.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc: Thành lập các tổ chức chuyên tập trung vào BLGĐ, phòng chống bằng nâng cao nhận thức, tăng cường chiến lược cộng đồng để phòng ngừa và can thiệp nhanh. Đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, cải thiện các chính sách hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, truy tố, kết án và giám sát các thủ phạm của BLGĐ.
Tại Ấn Độ: Đạo luật BLGĐ năm 2005 đã xác định về mặt pháp lý chống lại BLGĐ và các hướng dẫn truy tố những trường hợp được báo cáo cho cảnh sát.
Tại châu Phi: Tổ chức các khóa đào tạo chống BLGĐ ở quy mô địa phương và quốc gia, tìm cách trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc tự chủ về kinh tế, đào tạo cộng đồng, giáo dục về các mối quan hệ lành mạnh. Lập đường dây nóng nhằm can thiệp và cứu trợ ngay các nạn nhân
Kim Tuyến.